Home » Khám Phá, Khoa học » Thủ phạm giết hàng trăm triệu người thời trung cổ

Các nhà nhân chủng học Mỹ tuyên bố một loài vi khuẩn là thủ phạm từng giết chết hàng trăm triệu người tại châu Á và châu Âu từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18.

Stephanie Haensch, một nhà nhân chủng học của Đại học Johannes Gutenberg tại Đức, cùng các đồng nghiệp đã phân tích ADN trong các mẩu răng và xương từ 76 bộ hài cốt của những nạn nhân của “cái chết đen” tại Pháp, Đức, Italy và Hà Lan. Kết quả cho thấy vi khuẩn Yersinia pestis đúng là thủ phạm.

Nhóm nghiên cứu cho rằng “cái chết đen” bắt đầu bùng lên tại khu vực Tây Âu từ tháng 11/1347, khi những con bọ sống trên cơ thể chuột bò xâm nhập lục địa châu Âu từ một chiếc thuyền chở hàng cập cảng Marseille của Pháp. Những con bọ này mang vi khuẩn Yersinia pestis.

Chỉ trong vòng 6 năm sau đó, bọ chét phân tán từ miền tây tới miền bắc nước Pháp rồi sang Anh nhờ các tàu buôn.

Tranh minh họa nạn nhân của “cái chết đen tại châu Âu thời trung cổ”. Ảnh: blogspot.com.
Tranh minh họa nạn nhân của “cái chết đen tại châu Âu thời trung cổ”. Ảnh: blogspot.com.

Các nhà khoa học cũng phát hiện một chủng vi khuẩn Yersinia pestis khác trong một ngôi mộ tập thể tại Bergen op Zoom – một cảng nằm ở phía nam Hà Lan. Điều đó cho thấy Yersinia pestis xâm nhập vào châu Âu từ phía bắc.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy dịch bệnh lan ra khắp châu Âu qua ít nhất hai lộ trình riêng biệt”, Barbara Bramanti, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Sau khi bùng phát thành đại dịch lần đầu tiên vào năm 1347, “cái chết đen” lây lan khắp châu Âu, giết chết khoảng một phần ba dân số của cực lục địa. Sự hoành hành của nó gây nên nhiều hậu quả khủng khiếp về xã hội và chính trị. Chẳng hạn, đại dịch khiến nhiều triều đại phong kiến sụp đổ, đồng thời dẫn tới sự ra đời của nhiều tôn giáo mới.

Hiện nay hai chủng vi khuẩn thuộc nhóm Yersinia pestis vẫn đang hoành hành tại nhiều nơi thuộc châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và các nước thuộc Liên Xô cũ. Vì thế nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem chúng có phải là hai chủng trong các bộ xương hay không.

Kết quả phân tích cho thấy hai chủng trong các bộ xương hoàn toàn khác với hai chủng còn tồn tại tới ngày nay.

Vào những năm cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30 của thế kỷ 14, một bệnh dịch lạ bùng phát tại sa mạc Gobi thuộc Trung Quốc, giết chết vài triệu người và nhanh chóng lan sang châu Âu. Biểu hiện của bệnh là hạch nổi khắp cơ thể. Khi những mạch máu trong các hạch vỡ, máu khô và biến thành những cục màu đen cản trở sự lưu thông máu. Hiện tượng chảy máu trong cũng xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như gan, phổi và dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và dịch đường hô hấp. Do sự hiện diện của những cục máu đen trên cơ thể nạn nhân mà thời đó người ta gọi dịch bệnh đáng sợ là “cái chết đen”. Sau đại dịch lần thứ hai, dân số thế giới giảm từ 450 triệu xuống 350 triệu người.

Discovery cho biết, “cái chết đen” bùng phát thành dịch nhiều lần tại châu Âu từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18. nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận từ 30-60% dân số châu Âu từng mất mạng bởi “cái chết đen”. Đại dịch bùng phát liên tục trên khắp cựu lục địa từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18. Trong suốt nhiều thế kỷ qua giới khoa học vẫn tranh cãi về nguyên nhân gây bệnh, dù nhiều chuyên gia phỏng đoán một vi khuẩn có tên Yersinia pestis gây nên đại dịch.


Minh Văn (Theo Discovery)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc