Home » Thế giới » Cái nhãn siêu cường được gán quá sớm cho Trung Quốc
“Những biểu hiện của Trung Quốc trong quá khứ không nhất thiết sẽ cho thấy những kết quả trong tương lai,” Cựu Ngoại trưởng Anh, Malcolm Rifkind nhận định.

Mới một thập kỉ trước, tầm ảnh hưởng của “sự trỗi dậy Trung Quốc” được cho là chỉ diễn ra trong tương lai xa. Tuy nhiên, những ngày này thực sự đã ở lại phía sau.

Về mặt kinh tế và ngoại giao, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay đã được nhìn nhận trên toàn thế giới. Ở châu Phi, các mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Ở Mỹ Latinh, chính sách về lãi suất được xác định trong mối tương quan với những chính sách được thiết lập ở Bắc Kinh.

Sớm hay muộn, sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc hẳn sẽ phát triển đến mức khiến quốc gia này có thể được thừa nhận như là một siêu cường.

Ít nhất trong ngắn hạn đã xuất hiện một khuynh hướng vô ích khi cường điệu quá mức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề quốc tế.

Đặt sang một bên câu hỏi liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải là nguyên nhân cho sự ngợi ca hay âu lo không, thì phần lớn lối suy nghĩ đó chỉ được suy ra từ những khuynh hướng hiện tại.

Để hiện thực hoá toàn bộ tiềm lực của mình, Trung Quốc vẫn còn một quãng đường dài và trong những thập kỉ tới, Trung Quốc sẽ không thể có được một quyền lực gia tăng nhanh chóng, mà chỉ còn là sự phát triển chậm lại, thận trọng và bấp bênh hơn.

Cái nhãn siêu cường được gán quá sớm cho Trung Quốc

Ảnh minh hoạ: thongtinberlin.de

Vấn đề là rất nhiều các chỉ dấu được sử dụng để đánh giá thành công của Trung Quốc đang gây nên những hiểu lầm. Trở thành một nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, sự giàu có của Trung Quốc càng ngày càng được đặt trong quan hệ đối sánh với Hoa Kì – với quan niệm phổ biến cho rằng vị trí của Bắc Kinh đang được tăng cường trong mối quan hệ với Washington.

Nhiều nhà phân tích đã vội vã vạch ra các biểu đồ, chẳng hạn như cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kì trong vòng hai thập kỉ tới, và ngụ ý rằng khi đó, Trung Quốc thực sự sẽ làm lu mờ tầm ảnh hưởng của Hoa Kì.

Nhưng chỉ tập trung vào tổng GDP của Trung Quốc thường dễ gây nhầm lẫn. Ngay cả khi toàn bộ dịch vụ và hàng hóa của Trung Quốc lấn át dịch vụ và hàng hóa của Hoa Kì thì cũng sẽ không chứng kiến sự tái cấu trúc một cách đáng kể và bất ngờ trật tự của thế giới.

Chiến thắng của phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới II, sự kiện đã tạo ra thế giới lưỡng cực được giám sát bởi Hoa Kì và Liên Xô, và sự sụp đổ của bức tường Berlin, sự kiện đã củng cố vị trí đơn cực của Hoa Kì, không phải là những so sánh thích hợp.

Trong toàn bộ quá trình phát triển của mình, bình quân GDP theo đầu người của Trung Quốc vẫn còn thấp. Năm ngoái, khi chia đều cho lượng dân số khổng lồ, GDP trên đầu người của Trung Quốc chỉ đạt 6.600$ trong khi GDP trên đầu người của Hoa Kì là 46.400$. Những con số này đã đánh dấu một điểm mốc quan trọng – trong khi tổng GDP của Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kì, mức thu nhập đầu người thực tế ở đất nước này vẫn ở mức thấp.

Sẽ phải mất nhiều thập kỉ nữa trước khi Trung Quốc có thể đưa ra những mức thuế suất có tác dụng cần thiết để đảm bảo cho một sự hiện diện toàn cầu tương tự với những gì quân đội Hoa Kì được đảm bảo.

Ngoài ra, mặc dù có các tỉ lệ tăng trưởng khá cao, Trung Quốc vẫn cần phải duy trì chúng vô thời hạn nếu nước này muốn cung cấp việc làm cho những người gia nhập vào lực lượng lao động. Làm như vậy sẽ tránh được nhiều thử thách hơn là sự thừa nhận công khai sự tăng trưởng của Trung Quốc trong hai thập kỉ qua phụ thuộc vào sự mở rộng về số lượng những năng lực của nó, cụ thể là xây dựng những nhà máy mới, gia tăng sản xuất và tăng trưởng hướng vào xuất khẩu dựa trên nhu cầu của phương Tây.

Tuy nhiên, mô hình này đơn giản là không thể hình thành nên nền tảng cho hai thập kỉ bành trướng tiếp theo. Hàng hóa Trung Quốc có nhiều khả năng bão hòa ở thị trường phương Tây từ lâu trước khi những dự báo dài hạn có thể thành hiện thực. Điều đó có nghĩa là sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ suy giảm trừ phi nền kinh tế của nó tiến tới một nấc thang cao hơn, nơi mà những nguồn lực sản xuất phải được đa dạng hoá.

Tóm lại, sẽ cần một sự thay đổi về chất đối với hàng hóa và dịch vụ do Trung Quốc sản xuất. Đầu tư vào giáo dục và dạy nghề sẽ sẽ trợ giúp cho quá trình này, nhưng đó là một chặng đường dài, và các khoản thuế cần thiết để cung cấp cho nó có thể hạn chế sự thịnh vượng trong một khoảng thời gian trung hạn.

Cuối cùng, ngay cả khi Trung Quốc định vị bản thân một cách thành công cho một làn sóng sản xuất mới, nước này sẽ bắt đầu phải đối diện với tất cả những vấn đề của một nước phát triển. Sự bất bình đẳng về kinh tế trên khắp đất nước sẽ biến vấn đề phúc lợi của người dân Trung Quốc trở thành một vấn đề chính trị cấp bách, phát sinh việc hỗ trợ đối với sự can thiệp lớn hơn của chính phủ.

Điều này có liên quan đặc biệt với việc dân số Trung Quốc bắt đầu già đi. Điều mà đã từng là một lợi thế của Trung Quốc – nghĩa là một lực lượng lao động lớn với chi phí thấp – sẽ trở thành một gánh nặng khi dân số già đi. Quả thực, gần đây, người ta đã giả định rằng vào khoảng năm 2050, một phần tư dân số Trung Quốc, tức là khoảng 330 triệu người, sẽ qua tuổi 65. Việc làm thế nào Bắc Kinh đáp ứng được những nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và lương hưu của những người này vẫn là điều không chắc chắn. Nhưng bất kì một chính sách nào được chọn cũng hầu như chắc chắn sẽ có một mức độ ảnh hưởng rõ ràng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đã đi được một quãng đường rất dài trong 20 năm qua, nhưng sẽ quá sớm để tiên đoán về sự phát triển nhanh chóng và tất yếu của Trung Quốc trong việc đạt được vị trí siêu cường. Đối với Bắc Kinh, giai đoạn khó khăn mới chỉ bắt đầu.

* Hà Nguyễn dịch từ The Diplomat

Về tác giả: Malcolm Rifkind là nghị sĩ của Đảng Bảo thủ ở Kensington và đồng thời là, cựu Ngoại trưởng Anh. Ông hiện là chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Quốc hội Anh.

(Theo tuanvietnam.net)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc