Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Trung Quốc: Bản sao nước Mỹ của thế kỷ 19?
Phải chăng Trung Quốc đang thực hiện một bước nhảy vọt chưa từng có lên đỉnh cao của hệ thống kinh tế toàn cầu?

Có! Martin Jacques – biên tập viên nổi tiếng người Anh – khẳng định chắc nịch trong cuốn sách gây xôn xao dư luận When China Rules the World (Khi Trung Quốc trở thành bá chủ) của mình. Ông cho rằng quốc gia vừa mới vượt mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số 2 trên thế giới này sẽ tiếp tục vươn lên vị trí dẫn đầu trên một con đường bằng phẳng, hoàn toàn khác biệt và nhuốm màu Nho giáo.

Trong khi đó, những tư tưởng hoài nghi như nhà kinh tế học John Markin hay ông trùm đầu tư James Chanos thì lại tin chắc vào điều ngược lại. Họ tiên đoán rằng bong bóng tăng trưởng của Trung Quốc khi bùng nổ sẽ biến nước này thành một bản sao của Nhật Bản trong những năm 90 của “thập kỷ mất mát”. Giống như George Friedman từng khẳng định rõ ràng trong cuốn sách bán chạy nhất của mình – The Next 100 Years (Thế Giới 100 Năm Sau), đối với họ: Trung Quốc rốt cục cũng chỉ là một “Nhật Bản đang dùng thuốc tăng trưởng quá liều”.

Trong khi các dự đoán táo bạo về Trung Quốc liên tiếp bị chứng minh là sai, thì một nghiên cứu của chúng tôi về nước Mỹ thế kỷ 19 và Trung Quốc hiện tại đã dẫn đến một luận điểm mới: Trung Quốc có thể vấp ngã nhưng đất nước này sẽ lại tiếp tục đứng dậy và đi lên – cũng giống như nước Mỹ 150 năm về trước.

Có thể nói, Trung Quốc ngày nay giống nước Mỹ của những năm 1850 hơn là giống Nhật Bản của những năm 1980.

Đừng vội hiểu lầm luận điểm này. Chúng tôi không nói rằng sự tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc sẽ tiếp tục mà không hề suy giảm. Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn, từ lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng đến căn bệnh tham nhũng thâm căn cố đế và những nhu cầu năng lượng ngày càng khó đáp ứng… Dù vậy, nước Mỹ cũng đã từng trải qua những thách thức tương tự vào những năm 1850.

Nước Mỹ ngày đó, giống như Trung Quốc bây giờ, là một quốc gia nông nghiệp đang trải qua một cuộc cải tổ để trở thành nền kinh tế đô thị công nghiệp. Cho đến những năm 1850, Mỹ đã từng bước trở thành xưởng sản xuất của cả thế giới, nhanh chóng xuất ra các mặt hàng dệt may, đồng hồ, súng đạn… với giá cực rẻ. Người Anh gọi phép lạ này là “hệ thống sản xuất kiểu Mỹ”. Nó đã trở thành nỗi ghen tị của phần còn lại của thế giới. Giống như khả năng sản xuất hàng hóa giá rẻ một cách ồ ạt của Trung Quốc đang giúp nước này giành được sự ngưỡng mộ cũng như giận dữ từ các nước khác.

Các nhà bình luận Mỹ phàn nàn rằng thành công của Trung Quốc được xây lên từ những mánh khóe kiện tụng (mà các thao tác với đồng Nhân Dân Tệ là một ví dụ), những hoạt động kinh doanh bừa bãi, đáng ngờ, và sự vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, ngay cả những nhận định đó cũng gợi nhớ đến lời các nhà bình luận người Anh từng nói về sự tăng trưởng của nước Mỹ, khi các nhà máy ở New England sử dụng kỹ thuật đảo ngược để bắt chước những đột phá công nghệ mới nhất của Lancashire, và đến cả nhà văn Dickens cũng phải than phiền về việc các bản sao vi phạm bản quyền những cuốn sách của ông được bán rộng rãi khắp nước Mỹ.

Có thể diễn đạt ngắn gọn hiện tượng trên bằng một câu nói (thường được cho là của Mark Twain): lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng lịch sử sẽ vang vọng đến ngày nay. Và đây là một trong những trường hợp như vậy.

Vậy còn bong bóng tăng trưởng mà những người hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc đang nói tới thì sao? Rất nhiều bong bóng đầu cơ bất động sản đã phát triển và rồi bùng nổ khi nước Mỹ đi lên. Mỗi lần như vậy, nền kinh tế Mỹ lại hồi phục và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc cũng có thể làm được như vậy.

Nói về mâu thuẫn cơ bản giữa cơ cấu chính trị của Trung Quốc (trên danh nghĩa cộng sản) và cơ cấu kinh tế của nó (chủ yếu tư sản) thì sao? Hoàn cảnh chính trị của nước Mỹ những năm 1850 hoàn toàn khác biệt, nhưng cũng không thiếu những mâu thuẫn. Nước Mỹ tự hào rằng họ sùng kính tự do và bình đẳng, nhưng chế độ nô lệ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế, phụ nữ không có những quyền cơ bản và người Mỹ bản địa bị ngược đãi một cách thê thảm. Giống như nước Mỹ đã phải vật lộn đấu tranh trong suốt thế kỷ 19 để giải quyết những mâu thuẫn của mình, Trung Quốc rồi cũng sẽ phải làm vậy trong những năm tới đây. Quốc gia này cần những qui định chặt chẽ hơn trong kinh tế và kiểm soát ít hơn về mặt xã hội. Và dù người Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn trong việc kiếm tiền và tiêu tiền, họ vẫn không được lựa chọn xem mình được quản lý như thế nào.

Những điểm tương tự được liệt ra ở đây chắc chắn vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, nhìn về nước Mỹ những năm 1850 giúp chúng ta nhìn vào hiện tại với một quan điểm mới. Trong trường hợp này, có thể giúp chúng ta nhìn xa hơn ra ngoài hai quan điểm rập khuôn. Một là: Trung Quốc không những khác biệt mà còn hoàn toàn đối lập với nước Mỹ. Hai là: sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc rồi cũng sớm tàn lụi như chính đất nước châu Á vừa mới rời khỏi ngôi vị thứ 2 của nền kinh tế thế giới mới đây.

Đó là hai quan điểm mà người Mỹ cần phải vượt ra. Nếu không, họ sẽ không bao giờ có thể thấy rõ đất nước non trẻ sung sức ở bên kia Thái Bình Dương này. Trung Quốc đang tiến những bước đột phá dần về vị trí dẫn đầu của nền kinh tế thế giới và cùng lúc khiến cho nước Mỹ ăn không ngon ngủ không yên, cũng giống như những điều nước Mỹ non trẻ trước kia từng làm với đế chế già cỗi ở bên kia bờ Đại Tây Dương hơn một thế kỷ trước.

Theo Vân Anh

tuanvietnam


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc