Home » Thế giới » Hàn Quốc tranh cãi về việc đánh học sinh
Năm học mới càng đến gần, cô giáo trung học Jennifer Chung càng lo lắng khi sắp phải xa người bạn đồng hành lâu năm của mình – chiếc roi cô thường dùng để trị những học sinh ngỗ ngược.

“Tôi không biết làm thế nào có thể sống sót giữa một rừng 40 cậu con trai nghịch ngợm không ngừng, giữ cho chúng trật tự thế nào đây nếu không được trừng phạt chúng”, cô giáo toán 36 tuổi ở tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc nói.

Các nhà quản lý giáo dục của Seoul, nơi có cộng đồng học sinh phổ thông lớn nhất cả nước với 1,36 triệu em, hồi tháng 11 đã quyết định cấm việc đánh đòn học sinh. Sau đó, Gyeonggi và một tỉnh khác cũng làm tương tự. Lệnh này có hiệu lực từ đầu năm học mới, tức là từ tháng ba.

Bên trong một lớp trung học ở Hàn Quốc, ảnh minh họa AFP.
Bên trong một lớp trung học ở Hàn Quốc, ảnh minh họa AFP.

Quyết định cấm châm ngòi một cuộc tranh luận gay gắt ở Hàn Quốc, nơi giáo dục rất được coi trọng và việc trừng phạt thân thể học sinh diễn ra bình thường. Mục đích của đòn roi, theo những người sử dụng biện pháp này, là nhằm giữ kỷ luật cho học sinh và thúc đẩy các em tiến bộ.

Ở Hàn Quốc, việc thi đậu vào một trường cao đẳng hoặc đại học danh tiếng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định cả con đường sự nghiệp và hôn nhân. Vì thế các bậc cha mẹ và giáo viên thường thúc giục học sinh chăm chỉ thông qua đòn roi nhằm vào thân thể các em.

Tát hoặc đánh vào mông là những biện pháp phổ biến bị áp dụng cho những học sinh nào quên làm bài tập, thi đạt điểm kém hoặc nói chuyện riêng quá to trong lớp.

Một khảo sát cho thấy có tới 70% số học sinh Hàn Quốc từng trải qua đòn roi. Tuy nhiên các vết thương thường không đến mức khiến cha mẹ kiện tụng hay thầy cô giáo bị kỷ luật hoặc ngồi tù.

Kim Dong-Seok, phát ngôn viên Liên đoàn giáo dục Hàn Quốc, cho rằng tình trạng lớp quá đông cùng áp lực phải đưa được học sinh vào các trường đại học danh tiếng khiến cho giáo viên có xu hướng dùng biện pháp nhanh và mạnh.

“Với 40 học sinh trong mỗi lớp, mà cha mẹ em nào cũng muốn con mình phải vào được trường tốt, anh không thể dạy được nếu thiếu các biện pháp trừng phạt”, ông nói.

Mỗi lớp học ở Hàn Quốc có trung bình 35,3 học sinh, cao hơn rất nhiều so với mức 23,9 của các nước thuộc khối OECD (các nước công nghiệp phát triển).

“Chính cha mẹ học sinh cũng muốn giáo viên sử dụng đòn roi để con em họ thi cử tốt hơn”, ông Kim cho biết.

Tuy nhiên một đoạn video được tung ra hồi tháng 7 năm ngoái đã làm dấy lên một cơn bão tranh luận. Trong clip quay tại một lớp 6 này, cô giáo tuổi trung niên vừa chửi mắng vừa tát vào mặt một học sinh nam, đẩy em xuống sàn và đá em liên tục.

Sở giáo dục Seoul, đồng tình với sự phẫn nộ của công chúng, đã ra lệnh cấm xâm phạm thân thể học sinh. “Đánh đập học sinh là hành động dã man, vô nhân đạo và thường chỉ là phương tiện để giáo viên trút cơn giận dữ của mình. Điều tồi tệ hơn là nó khiến học sinh tưởng rằng bạo lực trong cuộc sống hàng ngày là chuyện đương nhiên”, phát ngôn viên sở giáo dục Seoul bình luận.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên nói rằng lệnh cấm đột ngột khiến họ không có các biện pháp duy trì kỷ luật nào khác.

“Một vài em thực sự ngỗ ngược đã thách thức tôi khi tôi nhắc chúng không được nói chuyện riêng quá to trong lớp, chúng nói ‘Tôi có nên rút điện thoại di động ra không đây?’ hay là ‘Cô định đánh tôi phải không'”, một giáo viên trung học ở Seoul không tiết lộ tên nói.

Sở giáo dục đã nhận được hàng loạt lời than phiền của giáo viên kể từ năm ngoái, nhất là từ các giáo viên nữ, họ cho biết đã bị học sinh quấy rối hoặc đánh đập mỗi khi nhắc nhở chúng.

“Chúng tôi hiểu rằng thời thế đã thay đổi, không nên đánh học sinh nữa. Nhưng chúng tôi thực sự cần có cách nào đó khác để trừng phạt những kẻ coi thường kỷ luật và phá lớp”, ông Kim thuộc nghiệp đoàn giáo viên Hàn Quốc nói. Các biện pháp như mời cha mẹ đến trường hay đưa học sinh hư đi các trường đặc biệt đều tỏ ra it hiệu quả, Kim nói thêm.

Ngay trong học sinh cũng có những cuộc tranh luận. Khảo sát cho thấy 50% số học sinh được hỏi ủng hộ đòn roi, 40% phản đối và 10% không có ý kiến gì.

“Khi bị giáo viên đánh, em nghĩ đó cũng là vì họ muốn tốt cho em và em đáng bị như thế, nhưng cũng cảm thấy hơi bị sỉ nhục”, Jeon Jun-Su, học sinh trung học, nói.

“Nếu em làm gì sai, em thà bị đánh mấy roi còn hơn phải mời bố mẹ đến trường. Bị đánh thế dễ chịu hơn và nhanh hơn”.

Nhằm xoa dịu cuộc tranh cãi, Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây thông báo cho phép trừng phạt về thể chất học sinh nhưng không được đánh, chẳng hạn bắt các em chống đẩy. Tuy nhiên riêng thành phố Seoul kiên quyết loại trừ mọi hình thức xâm phạm thể chất học sinh.

“Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp và hơi lộn xộn”, Kim Chang-Hwan, một nhà nghiên cứu thuộc Viện phát triển giáo dục Hàn Quốc nói.

Ông cho rằng văn hóa quân sự đã phát triển trong thời gian Hàn Quốc nằm dưới sự cai trị của chính quyền quân sự những năm 1960-80 đã ảnh hưởng đến giáo dục. “Đây là cái giá mà các trường học Hàn Quốc phải trả vì đã dựa dẫm quá nhiều vào các biện pháp trừng phạt thân thể. Đáng lẽ rs, sự trừng phạt chỉ nên được dùng đến như phương cách cuối cùng”.

Mai Trang

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc