Home » Khám Phá, Khoa học » Bên trong ‘cỗ quan tài bê tông’ ở Chernobyl
Suốt nhiều năm qua các kỹ sư Ukraina vẫn càn mẫn vào bên trong cỗ “quan tài bê tông” bao phủ lò phản ứng bị nổ của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl để kiểm tra kết cấu và nồng độ phóng xạ.
Cảnh tượng bên trong nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraina. Ảnh:
Cảnh tượng nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraina. Ảnh: blogspot.com.

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nổ tung, gây nên thảm họa nguyên tử tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Sau đó một công ty nhà nước đã bịt kín lò phản ứng này bằng 200 m3 bê tông, chôn vùi nguồn chất độc hại chết người đó. Ngày nay cũng công ty này chịu trách nhiệm kiểm tra “quan tài bê tông” thường xuyên.

“Chúng tôi phái người tới đó ít nhất một lần mỗi tuần”, Volodymyr Kashtanov, phó giám đốc công ty, nói với phóng viên AFP, một phần tư thế kỷ sau thảm họa hạt nhân.

Nhiệm vụ của các chuyên gia là kiểm tra lớp vỏ bê tông và khoảng 200 tấn nhiên liệu hạt nhân bên trong nó. Ngay sau thảm họa nhiên liệu hạt nhân biến thành chất nhão có nồng độ phóng xạ cực cao trước khi cứng lại dưới dạng gốm.

Vài năm trước, quan tài bê trông suýt sụp đổ, nhưng từ đó tới nay nó đã được gia cố đáng kể. Giới chức Ukraina muốn thay thế nó bằng một lớp vỏ thép mới vào năm 2015. Quá trình xây dựng lớp vỏ thép đã được tiến hành từ năm ngoái.

Trước khi tiến vào quan tài bê trông, các chuyên gia mặc quần, áo và đeo găng tay. Tất cả những thứ đó đều được làm từ vải cotton. Họ cũng mặc trang phục bằng vải không thấm ở bên ngoài. Họ thở qua bình dưỡng khí và đeo các thiết bị đo phóng xạ. Thiết bị phát ra âm thanh báo động mỗi khi họ tiến vào khu vực có nồng độ phóng xạ cao hơn ngưỡng an toàn.

Những công cụ bảo hộ khác bao gồm: áo khoác và giày bao để xỏ bên ngoài giày thường bằng nhựa, tấm che ngực và găng tay bằng chì, xi lanh chứa oxy, để dự phòng khi bình khí oxy cạn.

“Thứ duy nhất mà chúng tôi không có là trang phục của phi hành gia”, Kashtanov đùa.

Để làm việc trong quan tài bê tông, các kỹ sư phải có giấy chứng nhận rằng họ không mắc bất kỳ căn bệnh nào. Sau khi được tuyển họ sẽ được đào tạo theo quy trình đặc biệt.

“Bạn cần phải biết lối đi an toàn trong quan tài bê tông”, Sergui Sverchkov, một thành viên trong nhóm kỹ sư, nói.

Phòng điều khiển lò phản ứng số 4. Ảnh:
Phòng điều khiển lò phản ứng số 4. Ảnh: markresnicoff.com.

Mỗi kỹ sư chui vào bên trong lớp áo quan khoảng 15 tới 20 phút. Khoảng thời gian “tuần tra” phụ thuộc vào nồng độ phóng xạ mà họ tiếp xúc.

“Những thợ hàn từng gia cố lớp bê tông làm việc theo ca, mỗi ca chỉ kéo dài trong 7 phút. Người đầu tiên hàn trong 7 phút rồi chạy ra ngoài và người tiếp theo thế chỗ của người thứ nhất”, Sverchkov kể.

Sverchkov mô tả cảnh mọi thứ bên trong quan tài bê tông đều bị hỏng và dây cáp buông thõng ở mọi nơi.

Các kỹ sư kiểm tra kết cấu bê tông, đo nồng độ phóng xạ trong không khí, xem xét các hệ thống điều khiển việc phân tán bụi và thoát nước nhiễm phóng xạ. Nước trong lò phản ứng hỏng tích tụ từ mưa, tuyết và quá trình ngưng tụ hơi nước.

Hơn 60% diện tích lò là vùng cấm xâm nhập do nồng độ phóng xạ quá cao hoặc lối vào bị chắn bởi các mảng đổ nát.

Các kỹ sư mới đây đã khoan các lỗ vào tường bao quanh các khu vực mà họ không thể xâm nhập để nhét các cảm biến phóng xạ và cảm biến nhiệt độ vào trong lỗ. Chúng giúp họ theo dõi tình hình bên trong những khu vực ấy.

Kashtanov mô tả tình hình bên trong lò phản ứng hỏng “tương đối ổn định”, song ông lo ngại một phản ứng hạt nhân dây chuyền có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông cũng xác nhận lượng chất phóng xạ phát tán vào không khí và đất “tương đối lớn” song nồng độ phóng xạ không vượt quá mức cho phép.

Kỹ sư Sverchkov thừa nhận rằng anh luôn cảm thấy hồi hộp mỗi khi phải làm ca đêm trong lò phản ứng.

“Chúng tôi biết rõ về chất phóng xạ, nhưng mỗi khi đi một mình trong lò phản ứng vào ban đêm, bạn sẽ cảm thấy không thích thú chút nào. Một số khu vực không có ánh sáng và bạn phải bật đèn pin. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy những âm thanh giống như tiếng đập hay nứt”, anh nói.

Nhưng Igor Kabachenko, một kỹ sư khác, nói rằng anh đã học được cách chế ngự nỗi sợ hãi mỗi khi vào bên trong quan tài bê tông.

“Sau hai năm tìm hiểu quan tài này, nỗi sợ hãi của tôi đã nhường chỗ cho sự thích thú. Tôi nghĩ tôi không thể làm việc tại bất kỳ nơi nào khác nữa. Có vẻ như tôi đã yêu nơi này rồi”, anh nói.

Việt Linh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc