Home » Khám Phá, Khoa học » Chuyện chưa kể về “trọng án” khoa học ở Hàn Quốc
Chỉ mới 5 năm trước một vụ nguỵ tạo điển hình trong khoa học đã vỡ lở để lại nhiều bài học cần suy ngẫm.

Từ tột đỉnh vinh quang

Chẳng hiểu được vì sao nào chiếu mệnh, từ năm đầu năm 2000 sự thăng tiến của giáo sư Hwang Woo-suk nhanh như tên lửa. Sinh năm 1953, từ một cậu bé chăn bò, sau khi tốt nghiệp Đại học Thú y, Hwang thi thạc sĩ, rồi tiến sĩ và được phong giáo sư trường Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc).

Năm 1999, ông tuyên bố thành công trong việc sinh sản vô tính một con bò sữa (mà không đưa ra một dẫn chứng khoa học nào) và làm xã hội rất chú ý trước lời hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế lớn không lường hết được khi ông tạo ra được một đàn gia súc (bò và lợn) từ kỹ thuật độc đáo của mình.

Rồi ông lại cho biết đã tạo ra được “một con bò chống được hội chứng bò điên đang đe dọa thế giới” và ngỏ ý sẽ nhân bản vô tính hổ Siberia đang trên đường tuyệt chủng. Đến năm 2005, lần đầu tiên trên thế giới ông Hwang nhân bản tính chú chó Snuppy và chú chó này được kiểm tra gen di truyền từ vài cơ sở khoa học độc lập.

Hwang và chú chó snuppy nhân bản vô tính.

Những thành công đó đối với các nhà khoa học khác là rất lớn nhưng giáo sư Hwang chỉ coi là sự tập dượt thao tác để đi đến những đề tài lớn hơn nhiều là thí nghiệm trên người mà ông đã công bố từ tháng 2/2004.

Lần ấy, ông đã gây ấn tượng mạnh đối với giới chuyên môn khi công bố một thành công vang dội là tạo ra được 30 phôi người bằng phương pháp nhân bản vô tính và đăng tải trên tạp chí quốc tế rất có uy tín là Science ngày 12/3 khiến Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên làm được việc này.

Hwang tuyên bố vì tránh vi phạm đạo đức sinh học và luật pháp quốc tế, ông chỉ để phôi sống 10 ngày thì huỷ, mà không nuôi chúng thành con người hoàn chỉnh. Lập tức thành công này được sắp xếp thứ 3 trong 10 thành tựu khoa học lớn nhất năm 2004, đồng thời giáo sư Hwang Woo-suk được bình chọn là 1 trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.

Tháng 5 năm sau (2005) nhóm của giáo sư Hwang công bố một thành công còn lớn hơn nữa: Tạo ra được 11 tế bào gốc của 11 bệnh nhân, tạo ra từ tế bào da của họ và trứng của người tình nguyện.

Thành công mang tính đột phá này được đăng trên Tạp chí Science ngày 17/6/2005 với hơn 25 người cùng đứng tên trong đó có nhà sinh học hàng đầu của Mỹ Gerald Schatten, giáo sư Đại học Pittsburg – nơi hợp tác nghiên cứu với Đại học Quốc gia Seoul.

Người ta coi đó là một cánh cửa mở rộng cho y học hiện đại và những dòng tế bào gốc này sẽ được dùng để chữa trị những bệnh nan y như bệnh bại liệt, một số bệnh di truyền, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch… Với nó, giáo sư Hwang Woo-suk sẽ vào lịch sử y học thế giới và biến Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc) trong cuộc chạy đua dùng tế bào gốc để chữa bệnh.

Chính phủ Hàn Quốc chấp nhận đề nghị của Hwang, đã cho lập ngân hàng tế bào gốc để cung cấp cho toàn thế giới và cử ông làm giám đốc.

Để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu của Hwang, chính phủ hào phóng bỏ ra 600.000 USD mỗi năm. Hãng hàng không quốc gia còn tặng vé miễn phí cho ông suốt đời. Một dự án trị giá 25 triệu USD cho phòng thí nghiệm riêng cao 6 tầng với trang thiết bị hiện đại nhất cũng chuẩn bị được khởi công.

Hwang Woo-suk được coi anh hùng dân tộc, báu vật quốc gia, thần tượng của giới trẻ Hàn Quốc. Chính phủ đặt ra danh hiệu “Nhà khoa học tối cao” và ông là người đầu tiên được trao tặng. Đi đâu ông cũng có vệ sĩ bao quanh và phòng thí nghiệm ở tầng 6 tòa nhà 86, Đại học Quốc gia Seoul được bảo vệ cẩn mật như nơi nghiên cứu vũ khí bí mật. Người ta chỉ còn chờ đợi ngày giáo sư Hwang đến Stockholm nhận giải Nobel từ tay vua Thuỵ Điển thì scandal nổ ra

Thần tượng lung lay…

Đột nhiên, giáo sư Gerald Schatten, trường Đại học Pittsburg, một đồng tác giả của công trình “đột phá” ấy bỗng tuyên bố ông đã ngừng hợp tác với giáo sư Hwang đã 2 năm nay và rút khỏi tên ra khỏi bài báo. Ông đã nhận ra những điều bất thường và đề nghị kiểm tra các kết quả nghiên cứu. Một số nhà khoa học Hàn Quốc khác trên các website của nước này đã tố cáo hình ảnh trong bài báo trên Science là nguỵ tạo chứ không phải là kết quả nghiên cứu.

Họ cho biết các ảnh này được “chế biến” từ hai cụm tế bào chứ không phải là 11 tế bào như bài báo viết. Tiếp đó, tạp chí Nature của Anh đưa tin hai nhà nghiên cứu nữ và cũng là cộng sự của Hwang là hai trong số những người hiến trứng cho công trình nghiên cứu và được Hwang trả cho 1.500 USD.

Bác sĩ Roh Sung Il, Giám đốc bệnh viện Miz Medi, một tác giả trong bài báo trên Science nói bệnh viện của ông từng bỏ tiền ra mua trứng từ 18 phụ nữ cho công trình nghiên cứu. Tiếp đó những lời khai của tiến sĩ Kim Sun Jong, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Hwang gây sốc thêm trong dư luận khi khẳng định rằng chính giáo sư Hwang đã chỉ thị cho ông phải làm sao dùng 2 hay 3 tuyến tế bào để sản xuất cho được 11 tuyến.

Tóm lại, đây là một nguỵ tạo dữ kiện nghiên cứu.

… và sụp đổ

Trước vụ việc “tầy đình” như thế, trường Đại học Seoul và Đại học Pittsburg đã thành lập các Uỷ ban điều tra độc lập để xác minh chuyên thực hư. Giáo sư Hwang thanh minh một cách yếu ớt, rằng chỉ là những người ghen tị với tài năng và sự ưu ái của chính phủ với ông để dựng chuyện, song ông cũng xin từ nhiệm một số chức vụ.

Và khi sự việc vỡ lở.

Cuối tháng 12/2005, việc điều tra kết thúc. Các Uỷ ban điều tra đã kết luận: Giáo sư Hwang gian lận, bịa ra các kết quả và nhóm nghiên cứu đã lấy các tế bào từ một bệnh nhân chia vào 2 ống nghiệm để phân tích chứ không phải so sánh tế bào được nhân bản với tế bào được phân lập từ cơ thể bệnh nhân.

Không còn cách nào khác, Hwang đã phải xin lỗi dân chúng và chính phủ, nhưng vẫn tiếp tục cho rằng mình cũng bị những người dưới quyền lừa. Bị sốc và thất vọng, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố rút lại hỗ trợ tài chính, mở ngay một cuộc điều tra do bên tư pháp tiến hành về những dấu hiệu tội phạm và tuyên bố rút lại danh hiệu “Nhà khoa học tối cao” phong tặng cho Hwang.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc đứng ra nhận trách nhiệm đã thiếu kiểm tra kiểm soát, quá tin tưởng vào ông Hwang và xin từ chức. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh đặc biệt là ngành sản phẩm công nghệ sinh học (giảm 6,7%), ngành dược phẩm (giảm 5,7%). Phe đối lập nhân vụ này còn làm ầm ĩ đòi chính phủ phải tìm cách thu hồi tiền dân đóng thuế để chi xài vô độ cho những việc nghiên cứu giả mạo.

Tháng 5/2006 Hwang bị khởi tố về tội tham ô và vi phạm đạo đức sinh học do gian lận trong nghiên cứu tế bào gốc song việc điều tra và xét xử kéo dài. Mãi đến 26/10/2009, Toà án Quận Trung tâm tại Seoul mới xử lần cuối. Giáo sư Hwang thừa nhận tất cả “tội lỗi” và bị kết án 2 năm tù treo.

Trước đó, ngày 10/6/2007, trường Đại học Quốc gia Seoul đã sa thải Hwang, và ông phải về làm việc tại một Viện công nghệ sinh học ở địa phương, tiến hành sinh sản vô tính lớn, để tiếp tục hướng nghiên cứu tạo dòng tế bào gốc từ bào thai. Tháng 2/2011, ông sang Libya để bàn về dự án xây dựng một trung tâm nghiên cứu tế bào gốc ở Bắc Phi và chuyển giao công nghệ sang đó. Song thật không may cho ông, gặp đúng dịp nổi dậy của lực lượng chống chính phủ khiến dự án lại phải ngừng.

Vụ scandal trong ngành y sinh của Hwang Woo-suk đã làm bàng hoàng tất cả mọi người dân Hàn Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng ông đã quá háo danh và không dừng lại được trước những lời ca ngượi và sự ưu ái của chính phủ. Còn Hwang, khi rời trường Đại học Quốc gia Seoul, không biết ông đã nghĩ gì khi nhiều sinh viên khóc nức nở vì vừa buồn, vừa thương lại vừa giận thần tượng một thời của mình.

Theo Vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc