Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Đi tìm những ‘cổng địa ngục’ có thật trên Trái đất
Đó là những “cổng địa ngục” của người cổ đại và hiện đại…

Nhiều người cho rằng, địa ngục là một địa danh thuộc cõi siêu linh, được nhắc đến trong nhiều nền văn minh tôn giáo, là điểm đến của những linh hồn sau khi chết.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc địa ngục có thật hay không, bởi điều này có liên quan đến tín ngưỡng. Nhưng hiện nay trên thế giới vẫn đang tồn tại một số địa danh nổi tiếng được mệnh danh là “cổng địa ngục”.

1. “Cổng địa ngục” Plosky Tolbachik 

“Cổng địa ngục” Plosky Tolbachik là một ngọn núi lửa thuộc núi lửa phức hợp Tolbachik nằm trên bán đảo Kamchatka, vùng Viễn Đông nước Nga.

Tổ hợp núi lửa Tolbachik có lịch sử phun trào trải dài hàng ngàn năm, nhưng lần phun trào năm 1975 với tên gọi “The Great Tolbachik Fissure Eruption” (tạm dịch: sự phun trào từ khe nứt vĩ đại Tolbachik) được coi là lớn nhất trong lịch sử bán đảo Kamchatka.

Vào ngày 27/11/2012, ngọn núi lửa Plosky Tolbachik lại một lần nữa phun trào sau 36 năm ngủ yên. Dung nham từ hai vết nứt tạo thành dòng chảy với tốc độ khá nhanh.

Dòng dung nham đã phá hủy nhiều tòa nhà, bao gồm một trạm Viện núi lửa và Địa chấn học, cơ sở nghiên cứu Leningradskaya và một cơ sở của công viên tự nhiên Kamchatka. Ngọn núi lửa này tiếp tục phun trào đến hơn 1 tháng sau, dòng dung nham chảy dài đến hơn 20km.

Tuy nhiên, đây đã trở thành một địa điểm hấp dẫn với những du khách ưa mạo hiểm, muốn trải nghiệm cảm giác hồi hộp, chứng kiến dòng chảy dung nham và tro bụi tuôn trào.

Những bức ảnh này được thực hiện bởi hai nhiếp ảnh gia người Nga, Andrey và Liudmila. Hai nhiếp ảnh gia tài hoa và dũng cảm đã cho ra đời những bức ảnh tuyệt đẹp. Khi ngắm nhìn chúng, ta có thể hiểu tại sao họ ví von hai vết nứt của ngọn Plosky là “cổng địa ngục”.

2. Cổng địa ngục Turkmenistan

Đây thực chất là một hố lửa thuộc Turkmenistan, Trung Á. Hố lửa khổng lồ này đã cháy liên tục suốt 40 năm và được coi là một “cổng địa ngục” trên Trái đất.

Năm 1971, trong quá trình thăm dò địa chất tại sa mạc Karakum của Turkmenistan, các kỹ sư địa chất Liên Xô đã khoan trúng một hang ngầm chứa đầy khí đốt. Hang động đổ sập, để lại một hố sâu khoảng 60 – 70m.

Lo sợ nguy cơ khí độc trong hang gây ô nhiễm nặng cho môi trường, chính phủ đã ra quyết định châm lửa đốt, với hi vọng khí gas trong hố sẽ cạn kiệt trong thời gian ngắn. Song trái với tính toán của họ, lượng khí gas quá lớn, đã khiến ngọn lửa cháy liên tục trong suốt 40 năm qua.

Năm 2010, tổng thống Turkmenistan – Gurbanguly Berdimuhamedow đã hạ lệnh lấp hố, nhưng cho đến nay mệnh lệnh này vẫn chưa được thực thi.

Hiện nay, “cổng địa ngục” Turkmenistan đã trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách trên thế giới. Quầng sáng từ ngọn lửa trong hố có thể nhìn thấy từ cách xa vài km. Có điều do nồng độ khí gas quá nặng nên du khách không thể đứng gần hố quá 5 phút.

3. Cổng địa ngục tại thành phố cổ Hierapolis – Thổ Nhĩ Kỳ

Nếu hai địa danh trên được ví là “cổng địa ngục” vì vẻ hùng vĩ, “rực rỡ” của nó thì tại thành phố Phrygian, thuộc Hierapolis, miền Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khảo cổ người Ý đã tìm ra một “cổng địa ngục” hoàn toàn do ý nghĩa tôn giáo. Đó là “một cánh cổng dẫn đến địa ngục”.

Theo truyền thuyết, những con chim xấu số bay ngang qua đây sẽ ngay lập tức rơi xuống đất và trút hơi thở cuối cùng. Năm 63 TCN, nhà địa chất học người Hy Lạp – Strabo từng viết “Đứng trước cổng địa ngục, tôi tung những con quạ bay vào vùng đất thiêng, ngay lập tức chúng trút hơi thở cuối cùng và rơi xuống đất”.

Theo các tài liệu sử học và các tài liệu cổ, cổng địa ngục được miêu tả là một nơi rất huyền ảo, có màn sương bao phủ, nằm tại Phrygia, Hierapolis thời Hy Lạp – La Mã cổ đại, nay là địa phận Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hierapolis tồn tại khoảng 190 năm TCN, từng là một nơi trù phú dưới sự cai trị của đế quốc La Mã, với vô số công trình kiến trúc rực rỡ như đền thờ, nhà hát, cùng rất nhiều suối nước nóng.

Các nhà khảo cổ tin rằng, bức tượng được tìm thấy này mô tả vị thần Hy Lạp cổ đại của thế giới ngầm.

Khi các nhà khảo cổ tìm ra Hierapolis, nó chỉ còn là một tàn tích do bị tàn phá bởi nhiều trận động đất. Trong đống đổ nát đó, họ tìm thấy những cây cột khổng lồ, cùng tảng bia lớn khắc họa thần Pluto và nữ thần Korre – những vị cai quản địa ngục.

Những “nạn nhân” xấu số của khí độc khi mở “cổng địa ngục”.

Phía trước cánh cổng tìm được có một hồ nước, người ta phát hiện có khá nhiều xương của loài vật bị hiến tế. Đây là lời giải thích cho những gì Strabo viết, khi rất nhiều loài vật bay ngang qua đã tử vong vì hít phải khí độc carbon dioxide.

Ngoài ra, những thầy tu tời đây hành lễ cũng nhiễm khí độc do sử dụng nước từ hồ bên ngoài và ngủ lại “vùng đất thiêng”, nên họ thường mơ những giấc mơ kỳ quái mà qua đó trở thành những lời tiên tri của thần linh. Nhưng thực chất, đó chỉ là ảo giác do khí độc từ những mạch nước ngầm tạo nên mà thôi.

 

 

 

Theo Màn Ảnh Sân Khấu


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc