Home » Thế giới » Thời hoàng hôn của Hun Sen ?
Thủ tướng Cam Bốt chọn biện pháp mạnh để trấn áp phong trào phản kháng. Theo Le Monde, thủ tướng Hun Sen đứng trước tình huống mới : trong cuộc tranh đấu đòi quyền sống, đòi công bằng xã hội và xây dựng một chế độ trong sạch, lực lượng công nhân đã đoàn kết với đối lập chính trị, thành quả 20 năm nỗ lực kiên trì của lãnh đạo đối lập Sam Rainsy.
hunsen

Thủ tướng Hun Sen dùng biện pháp mạnh sau khi phe đối lập liên kết với giới công đoàn – REUTERS

Cảnh sát bắn vào công nhân may mặc giết chết 4 người, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy bị tòa án triệu mời, quyền biểu tình bị ngăn cấm. Trên đây là diễn biến tình hình tại xứ chúa Tháp từ thứ Sáu vừa qua được nhật báo độc lập Le Monde tường thuật và phân tích ở trang quốc tế:

Theo Le Monde, tình hình cam Bốt đã căng thẳng từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7/2013. Đảng Nhân Dân của ông Hun Sen đã bị xói mòn sau ba thập kỷ cầm quyền, mất 22 ghế dân biểu, nhưng vẫn giữ được đa số 68 so với 55 dân biểu đối lập. 

Đảng Cứu Nguy Dân Tộc tố cáo chính quyền Hun Sen gian lận, sửa đổi kết quả. Hệ quả là đối lập tẩy chay Quốc hội, đòi bầu cử lại. Những cuộc biểu tình khổng lồ trong những ngày qua có thể báo hiệu “thời hoàng hôn” của Hun Sen. Viên sĩ quan Khmer Đỏ ly khai, theo chân quân đội Việt Nam trở lại Phnom Penh năm 1979, trở thành lãnh đạo một chế độ càng ngày càng bị dân chúng lăng mạ, nguyền rủa. 

Được bảo vệ bằng một lực lượng an ninh riêng, nắm quân đội và cảnh sát trong tay, nhưng thủ tướng Cam Bốt bị dân tố cáo “đứng đầu một hệ thống dã thú ăn hại” trong đó lợi nhuận kinh tế lọt vào túi tham của những nhóm lợi ích. 

Trong cuộc tuần hành hôm thứ bảy tuần trước, biểu ngữ ”Hun Sen giàu lên, Dân càng nghèo đi” có lẽ đã mô tả được thực trạng nước Cam Bốt : bề mặt hào nhoáng của thủ đô không che giấu được sự thật một phần ba trẻ em Kampuchia thiếu ăn và còn hơn một phần tư dân số chưa có điện. 

Thật ra, theo nhật báo độc lập Pháp, thì chế độ Hun Sen không phải là hoàn toàn tệ hại và còn tốt hơn nhiều so với chính quyền Việt Nam. Tuy ông độc đoán nhưng bầu cử đa đảng và quyền tự do ngôn luận không bị cấm triệt để. Hun Sen chỉ dùng biện pháp mạnh sau khi để cho đối lập tự do biểu tình suốt mấy tháng trời, chuyện không thể tưởng tượng có thể xảy ra ở Việt Nam. 

Tại sao Hun Sen thay đổi thái độ? Theo phân tích của Le Monde, đó là do tình hình Cam Bốt có diễn biến mới : liên minh đối lập chính trị và lực lượng công đoàn liên minh tranh đấu. Phong trào công nhân may mặc là một tập thể 650 ngàn lao động đang tranh đấu đòi tăng lương từ 80 đôla lên 160 đôla mỗi tháng. 

Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã thấy rõ sức mạnh của công nhân lao động là yếu tố quyết định trong cuộc tranh đấu chính trị chống Hun Sen. Từ năm 1990, ông đã tổ chức các nghiệp đoàn lao động độc lập với công đoàn do nhà nước chỉ đạo. 

Còn theo nhật báo kinh tế Les Echos, cuộc đấu tranh của công nhân Cam Bốt không phải là cá biệt mà nói chung “Ngành dệt may châu Á bị chấn động vì biểu tình phản kháng. Bangladesh và Cam Bốt bị tác hại nặng nhất”. 

Hai nước này có cùng một mẫu số chung: Quần áo may sẵn xuất khẩu là nguồn ngoại tệ chính. Bangladesh với 4 triệu công nhân, xuất khẩu 27 tỷ đôla mỗi năm và cũng như đồng nghiệp Cam Bốt, lương trung bình chỉ độ 60 đôla mỗi tháng. Cả hai nước đều qua một cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận. Tình hình Bagladesh có vẻ nghiêm trọng hơn với hơn 124 người chết vì bạo lực.

Tú Anh

Theo rfi

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc