Home » Thế giới » Liệu có cơ may nào cho hai người Nhật trong tay IS
con tin nhat banHaruna Yukawa, một trong hai con tin Nhật Bản bị IS bắt giữ. Ảnh: Independent
Nhiều người Nhật từng bị các nhóm khủng bố bắt giữ và đòi tiền chuộc, trong đó có người bị giết. Nếu đúng như những gì phiến quân IS dọa trong video, thời gian của hai con tin Nhật đang cạn dần trong khi Tokyo cân nhắc đối sách.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm qua phát tán đoạn video, trong đó chúng đe dọa hành quyết hai con tin Nhật Bản và công khai yêu cầu một khoản tiền chuộc trị giá 200 triệu USD, nếu không chúng sẽ giết con tin sau 72 giờ. Đây là một cách hành động mới của IS, khiến công chúng đặt câu hỏi liệu hai người Nhật này có cơ may sống sót hay không. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Con tin là ai

Một người dường như có niềm đam mê lớn với vũ khí, trang thiết bị quân sự. Người còn lại là một phóng viên tự do, từng nhiều lần đưa tin về tình trạng của trẻ em ở những vùng bị chiến tranh tàn phá. Cả hai có quen biết trước khi rơi vào tay IS, theo AP.

Haruna Yukawa, 42 tuổi, một trong hai con tin Nhật Bản, tháng một năm ngoái thành lập công ty chuyên cung cấp các dịch vụ an ninh tại những khu vực xảy ra giao tranh, sau quãng thời gian kinh doanh trực tuyến các thiết bị quân sự. Theo thông tin trên trang blog của Yukawa, ông đến Syria để tham gia huấn luyện cùng các binh sĩ tại đây.

Hồi tháng 7/2014, Yukawa đăng các bức ảnh chụp ở Iraq và Syria. Trên trang Facebook, Yukawa còn tải một đoạn video quay cảnh ông mang theo khẩu súng Kalashnikov với chú thích: “Chiến tranh Syria, Aleppo năm 2014”. Trong các bài viết đăng trên trang cá nhân, Yukawa luôn thể hiện mong muốn làm gì đó cho những người đang phải chịu khổ sở vì chiến tranh ở Syria.

Yukawa chia sẻ vào năm 2013 ông còn có ý định tự tử vì quá chán nản trước một loạt rắc rối trong cuộc sống. Là một tín đồ của thuyết thông linh, Yukawa tin rằng kiếp trước ông là một nữ diễn viên.

Kenji Goto, 47 tuổi, con tin thứ hai, năm 1996 thành lập một hãng tin tức tư nhân với tên gọi Báo chí Độc lập, chuyên tiếp cận các đề tài về xung đột, giao tranh, dân tị nạn, người nghèo và giáo dục của trẻ em ở những nơi đang xảy ra chiến tranh. Ông từng đưa tin cho nhiều kênh truyền hình lớn của Nhật Bản như NHK hay Asahi. Goto cũng từng hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác.

Trong một email gửi hãng thông tấn AP hồi tháng 10 năm ngoái, Goto cho biết ông đang đưa tin ở Syria. Nội dung cuối cùng đăng hôm 23/10 trên tài khoản Twitter của Goto dẫn liên kết tới một chương trình do ông thực hiện được phát sóng trên đài NHK của Nhật Bản. Trong một cuộc phỏng vấn, Goto cho hay Yukawa từng tìm đến ông xin lời khuyên cho công ty dịch vụ an ninh của mình. Truyền thông Nhật Bản nói Goto đến Syria vì muốn giải cứu Yukawa.

kenji-goto-1243-1421831581.png

Con tin Kenji Goto (trái). Ảnh: IBTimes

Điều gì xảy ra với các con tin Nhật Bản trước đây

Trong số những con tin Nhật Bản bị các tổ chức khủng bố bắt giữ trước đây, một người thiệt mạng, số còn lại đều được phóng thích. Đến nay vẫn chưa rõ phía Nhật Bản có trả tiền chuộc cho khủng bố hay không và trả bao nhiêu lần. Trường hợp duy nhất được kiểm chứng là vụ việc ở Kyrgyzstan vào năm 1999.

Năm 2010, phóng viên Kosuke Tsuneoka được thả tự do sau khi bị giữ làm con tin trong 5 tháng ở Afghanistan. Chính phủ Nhật khẳng định họ không trả tiền chuộc cho quân khủng bố.

Năm 2004, người ta tìm thấy thi thể của Shosei Koda được bọc trong lá cờ Mỹ. Anh này mới 24 tuổi và là một người chuyên du lịch bụi. Koda bị giết sau khi Abu Musab al-Zarqawi, trùm mạng lưới Al-Qeada ở Iraq, đòi Nhật Bản rút quân khỏi Iraq.

Cũng trong năm này, hai nhân viên cứu trợ và một phóng viên ảnh tự do Nhật Bản trở về nước sau khi bị giam giữ khoảng một tuần tại Iraq. Cả ba phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích vì phớt lờ lời cảnh báo của chính quyền, dấn thân tới những khu vực chiến sự. Những kẻ bắt cóc cũng yêu cầu Tokyo rút quân khỏi Iraq. Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Junichiro Koizumi đã khước từ yêu sách trên. Ba con tin sau đó được trả tự do nhờ lời khẩn cầu của các giáo sĩ Hồi giáo.

Năm 1999, một quan chức ở Kyrgyzstan khẳng định 4 cán bộ ngành khai thác mỏ của Nhật Bản được phóng thích sau khi Tokyo trả khoản tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc là các tay súng Hồi giáo.

Năm 1997, quân đội Peru đột kích đại sứ quán Nhật Bản ở nước này để giải cứu các con tin bị phiến quân cánh tả giam giữ trong 126 ngày. Một tờ báo Nhật đưa tin những kẻ bắt cóc đã đề nghị khoản tiền chuộc nhiều triệu USD nhưng chính quyền phủ nhận thông tin trên.

Năm 1990, hàng chục con tin Nhật Bản và người nước ngoài bị giam giữ và sử dụng như những lá chắn sống để chống lại các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm chiến lược ở Iraq. Những người này được thả sau khi nhiều chính trị gia Nhật Bản lên tiếng bảo vệ quyền tự do của họ.

IS từng đòi tiền chuộc

Trong vụ việc của James Foley, phóng viên người Mỹ bị bắt ở miền bắc Syria vào tháng 10/2012, 100 triệu euro (khoảng 132 triệu USD) là cái giá mà IS đưa ra để đổi lấy tự do cho anh, CNN dẫn lời Richard Byrne, phát ngôn viên của trang tin tức Global Post , nơi Foley từng cộng tác, cho biết.

Tuy nhiên, không bên nào đứng ra chi trả khoản tiền trên. Thậm chí nếu có, không ai dám khẳng định IS sẽ giữ lời. Nhóm khủng bố này sau đó hành quyết bằng cách chặt đầu Foley, ghi lại cảnh tượng và đăng tải lên mạng Internet để cả thế giới chứng kiến hành vi man rợ của chúng.

Điều khiến yêu cầu tiền chuộc mới nhất đối với hai công dân Nhật Bản của IS khác biệt so với các lần trước là chúng công khai thể hiện ý định và đưa ra thời hạn ba ngày để Tokyo đáp ứng đòi hỏi của nhóm.

Ý nghĩa con số 200 triệu USD

Theo Telegraph, tháng 4/2014, Pháp bị cáo buộc trả 18 triệu USD cho IS để đổi lấy 4 con tin. Vài ngày trước, Italy được cho là đã trả 13 triệu USD để cứu hai công dân trẻ tuổi của nước này bị bắt ở Syria. Những con số trên không tương xứng với mức tiền chuộc 200 triệu USD mà IS đưa ra đối với Nhật Bản.

Lời giải thích hợp lý hơn cả cho sự bất cân xứng này đó là con số 200 triệu USD mang một ý nghĩa biểu tượng. Trong chuyến thăm Cairo, Ai Cập, hôm 17/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa cung cấp những viện trợ phi quân sự trị giá 200 triệu USD cho các nước tham gia cuộc chiến chống IS.

“Gửi Thủ tướng Nhật Bản, ông ở cách xa tổ chức Nhà nước Hồi giáo của chúng tôi hơn 8.500 km, vậy mà ông vẫn sẵn sàng tình nguyện can dự vào cuộc chiến này ư”, kẻ đeo mặt nạ trong đoạn video dọa giết con tin Nhật đề cập đến ông Abe. Hành động này càng củng cố thêm nhận định cho rằng hai sự kiện trên có mối liên hệ với nhau.

Chính sách của Nhật Bản về vấn đề trả tiền chuộc cho khủng bố

Ông Abe hôm qua không nói đến việc loại trừ hoàn toàn khả năng trả tiền chuộc hay thương lượng với những kẻ bắt cóc. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẵn sàng chi trả hay ít nhất đối thoại với khủng bố?

Tokyo chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận trả tiền chuộc cho khủng bố và cũng không có lý do để làm điều đó trong hoàn cảnh này. Nhật Bản năm 2013 đã ký một thông cáo chung của nhóm 8 nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8), trong đó có đoạn: “Chúng tôi dứt khoát từ chối trả tiền chuộc cho khủng bố đồng thời kêu gọi các quốc gia và đối tác trên toàn cầu thực hiện theo”.

Anh và Mỹ cũng thực thi những chính sách tương tự. Bà Diane, mẹ của nhà báo Foley, từng chia sẻ trên kênh CNN rằng giới chức Mỹ đã dọa truy tố nếu bà còn có ý định quyên góp để trả tiền chuộc cho nhóm khủng bố.

Nhật Bản, Anh, Mỹ và một số cường quốc khác kiên quyết không chi tiền cho các tổ chức như IS hay al-Qaeda bởi chúng không đáng tin. Trả tiền chuộc không đồng nghĩa với việc con tin sẽ được giải thoát. Hơn thế, hành động đó sẽ chỉ khuyến khích các nhóm cực đoan tiếp tục thực hiện hành vi bắt cóc, gây nguy hiểm cho những người khác.

“Trả tiền chuộc hôm nay sẽ chỉ tạo ra những vụ bắt cóc khác trong tương lai, các vụ bắt cóc lại dẫn đến những yêu cầu tiền chuộc khác. Năng lực của bè lũ khủng bố nhờ thế sẽ không ngừng gia tăng”, ông David S.Cohen,thứ trưởng tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo Mỹ, năm 2012 bình luận.

Có thể thương lượng với khủng bố mà không trả tiền chuộc

Nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia với chính sách không trả tiền chuộc có thể tạo thêm động cơ cho các nhóm khủng bố nếu tiến hành đàm phán với chúng.

Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này nổ ra sau khi Washington trao đổi 5 tù nhân Taliban bị giam giữ tại nhà tù Vịnh Guantanamo lấy tự do cho hạ sĩ cảnh sát Mỹ Bowe Bergdahl. Tổng thống Barack Obama sau đó nhấn mạnh ông “chắc chắn không có điều gì phải xin lỗi khi cố gắng giúp một chàng trai trẻ trở về nhà đoàn tụ với cha mẹ mình”.

Đối với vụ việc của Nhật Bản, trao đổi tù nhân không phải là một phương án khả thi ngay cả trong trường hợp nước này đang giam giữ khá nhiều kẻ nghi là thành viên của IS. Thay vào đó, điều kiện thương lượng của Tokyo có thể là hủy quyết định chi khoản tiền 200 triệu USD hỗ trợ các đối tác tham gia cuộc chiến chống IS. Ông Abe hôm qua vẫn cho hay chưa sẵn sàng loại bỏ cảm kết này.

Hy vọng nào cho các con tin Nhật Bản

con-tin-8982-1421810993-2246-1421831581.

Hai con tin Nhật xuất hiện trong video cùng phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Ảnh chụp màn hình: YouTube

Dựa trên những gì IS thực hiện từ trước đến nay, khả năng chúng trả tự do cho các con tin là rất thấp. Nhưng Nhật vẫn có thể tiến hành đàm phán với những kẻ bắt cóc. Khác với Mỹ và Anh, Nhật Bản không tham gia trực tiếp vào các chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria. Đây vẫn có khả năng là một đòn bẩy khiến IS phóng thích các con tin, khiến cả thế giới bất ngờ bằng một hành động thể hiện thiện chí.

Tuy nhiên, khi mọi nỗ lực ngoại giao không phát huy tác dụng, Nhật Bản có lẽ phải dựa vào sức mạnh quân sự, nhờ cậy các đồng minh phương Tây và Trung Đông để giải cứu các con tin.

Thời gian của hai con tin vẫn đang vơi dần bất chấp phương cách tiếp cận của Nhật Bản là gì.

Vũ Hoàng (theo APCNNTelegraph, vnexpress)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc