Home » Thế giới » Triều Tiên ‘khoe’ với Mỹ nhà máy tinh chế uranium
Mối lo ngại từ lâu của Washington về chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên vừa được một chuyên gia hạt nhân Mỹ xác nhận sau chuyến thăm hiếm hoi tới quốc gia này.

Chuyên gia hạt nhân Mỹ Siegfried Hecker. Ảnh: AFP

Theo AP, thông tin trên được chuyên gia hạt nhân Mỹ Siegfried Hecker, thuộc Đại học Stanford, đưa ra trong một báo cáo công bố cuối tuần qua. Tháng trước ông đã có dịp tới thăm Triều Tiên và được giới chức nước này đưa tới thị sát khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, nơi ông nhìn thấy nhiều máy ly tâm chuyên tinh chế uranium đang hoạt động ở quy mô công nghiệp nhỏ.

Theo thông tin mà giới chức Triều Tiên cung cấp cho chuyên gia Siegfried Hecker, nước này đã có 2.000 máy ly tâm đang hoạt động và họ đang sản xuất uranium được làm giàu ở mức thấp đủ để chế tạo lò phản ứng mới. Ông mô tả việc lần đầu tiên được nhìn thấy những cỗ máy ly tâm của Triều Tiên đã khiến ông “kinh ngạc”.

Cũng theo tiết lộ của giới chức Triều Tiên cho chuyên gia Mỹ, nước này bắt đầu lắp đặt các máy ly tâm vào tháng 4/2009 và chỉ mới hoàn thành vài ngày trước chuyến thăm của nhà khoa học này hôm 12/10. Ông mô tả phòng điều hành các máy ly tâm của Triều Tiên “hiện đại đến mức kinh ngạc” và có thể so sánh với bất kỳ một cơ sở xử lý hiện đại nào của Mỹ.

Chuyên gia Hecker cũng đánh giá cơ sở làm giàu uranium của Triều Tiên chủ yếu phục vụ nhu cầu điện hạt nhân dân sự chứ không phải chế tạo vũ khí. Ông cũng không thấy có bằng chứng nào về việc tiếp tục sản xuất plutonium tại khu Yongbyon mà ông tới thăm. Nhưng chuyên gia tin rằng cơ sở làm giàu uranium này “có thể sẵn sàng được chuyển thành cơ sở sản xuất uranium ở mức độ cao phục vụ chế tạo bom”.

Tinh chế uranium sẽ cho phép Triều Tiên có cách thứ hai để chế tạo bom nguyên tử, sau cách thức đã biết là chương trình dựa trên quá trình sản xuất plutonium. Nếu tinh chế ở mức độ thấp, uranium có thể được sử dụng làm nhiên liệu trong các lò phản ứng phát điện hạt nhân. Nhưng nếu được tinh chế ở mức độ cao hơn nó có thể được sử dụng trong chế tạo bom nguyên tử.

Ngoài ra, theo các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc, uranium có thể được tinh chế trong những nhà máy tương đối kín đáo dễ dàng qua mặt được các vệ tinh do thám của đối phương. Những quả bom hoạt động dựa trên uranium cũng có thể được chế tạo mà không cần phải tiến hành nổ thử nghiệm giống như Triều Tiên thử hạt nhân hai lần trước vào năm 2006 và 2009 cho loại vũ khí nguyên tử hoạt động dựa trện plutonium.

Trong khi đó, Washington tin rằng từ năm 2002 Bình Nhưỡng đã có chương trình tinh chế uranium gây tranh cãi. Tiết lộ bất ngờ của Bình Nhưỡng cho chuyên gia hạt nhân Mỹ Hecker, cựu giám đốc Trung tâm thí nghiệm hạt nhân Los Alamos từng nhiều lần tới Triều Tiên, có thể là cách thức nhằm thể hiện sức mạnh của chính phủ Triều Tiên trong bối cảnh họ đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực từ Chủ tịch Kim Jong-il cho con trai.

Ngoài ra, với hoàn cảnh đang bị Mỹ và các nước khác thắt chặt cấm vận, việc Triều Tiên hé lộ về các cỗ máy ly tâm có thể là một nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm nối lại vòng đàm phán quốc tế về giải trừ hạt nhân đổi lại viện trợ vốn đang lâm vào bế tắc. Nhưng dù với lý do nào, thông tin trên cũng khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lo ngại.

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đánh giá thông tin do chuyên gia Đại học Stanford thu thập được cho thấy Triều Tiên đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các cam kết của Bình Nhưỡng trước đây về tái khởi động các vòng đàm phán đa phương về hạt nhân.

“Điều này xác nhận lo ngại mà chúng ta đã có trong nhiều năm qua về chương trình làm giàu uranium của họ, điều mà họ thường xuyên phủ nhận”, đô đốc Mullen nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng điều này cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục con đường gây bấn ổn cho khu vực, đồng thời khiến phương Tây “không thể tin được việc Triều Tiên sẽ làm những gì họ nói”.

Đình Nguyễn

Theo VnEpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc