Home » Thế giới » Wikileaks là cú lừa của tình báo Mỹ?
Wikileaks đang được nhiều nhà phân tích liên tưởng tới ’Chiến dịch thịt băm’ trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi tình báo Anh cũng sắp đặt vụ ’rò rỉ tài liệu tối mật’ để qua mặt Hitler.
Người chết 2 lần

Năm 1943, để đánh lạc hướng quân đội Đức về mục tiêu tấn công của quân đồng minh, cơ quan tình báo Anh lập nên một kế hoạch kỳ lạ không kém kịch bản phim của Hollywood mang tên “chiến dịch thịt băm”, theo đó, sử dụng một xác chết để cung cấp tin… giả cho quân đội Đức.

Cụ thể, theo kế hoạch, xác chết sẽ được trang bị giấy tờ giả về nhân thân, mang theo bên mình một cặp đựng những tài liệu hết sức nhạy cảm. Tàu ngầm Anh sẽ thả xác chết này ở ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha với hy vọng sóng sẽ đưa xác chết vào đất liền và những giấy tờ giả mạo sẽ “lọt vào tay” quân đội Đức. Nếu kế hoạch này thành công, quân đội Đức Quốc xã sẽ không chờ đợi quân đồng minh đổ bộ lên đảo Sicilia, mà ở Hy Lạp, cách đó hàng trăm km.

Để thực thi kế hoạch, Ewen Montagu, chuyên viên tình báo Anh, người chịu trách nhiệm tổ chức chiến dịch bắt đầu công cuộc tìm kiếm xác chết. Trong khi đang băn khoăn với những yếu tố như nguyên nhân gây tử vong không thích hợp, lứa tuổi không phù hợp hoặc gia đình người chết có thể tiết lộ sự việc thì ông hay tin về một kẻ lang thang tên Glyndwr Michael, 34 tuổi, chết vì uống bả chuột tại London. Đối với Ewen Montagu thì đây quả là một “người chết hoàn hảo” – một người cô đơn, không tiền bạc, gia đình và bạn bè. “Chiến dịch thịt băm” bắt đầu.

Kẻ lang thang bỗng chốc trở thành thiếu tá Martin.

Ewen Montagu bắt đầu tạo ra lý lịch cho xác chết. Ông đặt cho người xấu số một cái tên rất thông thường sẽ làm cho quân Đức rất khó thẩm tra: Thiếu tá William Martin. Ông nhét vào “Thiếu tá Martin” một chứng minh thư giả cùng những giấy tờ được làm nhàu trước đó.

Ông còn tạo ra cho Martin một cô vợ chưa cưới xinh đẹp tên Pam, chụp ảnh mặc bộ đồ tắm bên bãi biển và viết cho tay Thiếu tá những bức thư tình ngọt ngào. Theo Ewen Montagu, những câu chuyện tình cảm đời thường như thế sẽ khiến cho quân Đức dễ dàng tin vào “Thiếu tá Martin”.

Tuy nhiên, vũ khí chính của điệp vụ này là những bức thư giả, được các cấp lãnh đạo cao nhất thực sự viết. Trong lá thư quan trọng nhất, Tướng Archibald Nye, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh tự tay viết về kế hoạch đổ bộ của quân đồng minh lên các vùng Peloponnes và Sardinien của Hy Lạp. Tướng Nye viết: “Chúng ta rất có cơ sở để tin là có thể làm cho kẻ thù nghĩ rằng, chúng ta sẽ tấn công Sicilia, vì đó là một mục tiêu gần và là nơi gây khó khăn cho kẻ thù của chúng ta”.$0 $0Trên thực tế, Sicilia đúng là địa điểm thuận lợi nhất cho việc đổ bộ lên Địa Trung Hải. Lý do là bởi sau khi đánh bại Tướng Rommel của Đức ở Bắc Phi, quân đội đồng minh chỉ cách Sicilia vài trăm km đường không. Thủ tướng Anh khi đó Churchill cũng nhận định, trừ những kẻ hoàn toàn ngu đần ra thì ai cũng tin là sau chiến thắng ở Bắc Phi, quân đồng minh sẽ nhằm vào Sicilia.

Những “tư trang” mà thiếu tá Martin mang theo mình.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, xác chết chính thức xung trận. Ewen Montagu phải thiết kế một thùng sắt riêng hai lớp với một lớp cách nhiệt để đưa “Thiếu tá” xuất kích. Chặng đầu tiên, “Thiếu tá Martin” đi bằng ôtô từ London ngày 18/4/1943 đến thành phố cảng Greenock ở phía Tây Glasgow, Scotland. Tại đó, chiếc hòm nặng được chuyển xuống một tàu ngầm Anh. 12 ngày sau, người ta thả xác chết được mặc áo phao xuống một điểm cách thành phố cảng Huelva của Tây Ban Nha khoảng 1.500m. Để mọi chi tiết giống như một vụ tai nạn máy bay, người ta còn thả xuống biển một chiếc xuồng cứu trợ.

Sở dĩ mật vụ Anh chọn thành phố Huelva bởi tại đây có một điệp viên sừng sỏ của Đức tên Adolf Clauss, thường xuyên được người Tây Ban Nha cung cấp thông tin. Giờ đây người Anh hy vọng vào sự mẫn cán của điệp viên này.

Xác chết “xỏ mũi” Hitler

Hy vọng mong manh cuối cùng cũng thành sự thực. Không lâu sau khi “điệp viên Martin” xung trận, tùy viên Anh tại Madrid, vốn không hay biết về vụ lừa đảo này báo tin về vụ một xác chết trôi dạt vào bờ biển Tây Ban Nha.

Một bác sĩ pháp y cho rằng, nguyên nhân cái chết là do giá lạnh. Ngay sau đó, các hoạt động ngoại giao nhanh chóng được triển khai. Các sĩ quan tình báo Anh cố tình ra lệnh cho tùy viên ở Madrid tìm lại “tài liệu tối mật”. Cuối cùng họ nhận lại được một phần những bức thư và cũng phát hiện dấu vết các bức thư bị mở ra. Cơ quan tình báo Anh hãnh diện báo cáo với Thủ tướng Churchill: “Thịt băm được chén sạch”.

Trong khi đó, người Đức “chắc mẩm” là “vớ” được một mẻ lưới ngoạn mục. Ngay trong tuần lễ đầu tiên của tháng 5 năm đó, các điệp viên Đức dịch và gửi các bức thư về Berlin. Họ viết như sau: “Không hề có nghi ngờ gì về tính xác thực của các tài liệu mới đoạt được này”.

Bức thư của phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh viết cũng chỉ là “hàng dởm”.

Cuối cùng, cả bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức và cá nhân Hitler cũng bị lừa. Khi Mussolini bày tỏ ý kiến sợ rằng có một cuộc tấn công vào Sicilia, Hitler mạnh mẽ bác lại và cho rằng “cuộc tấn công theo dự kiến trước hết nhằm vào Sardinien và Peloponnes”.

Tuy nhiên, Hitler không ngờ rằng, mình bị một xác chết “xỏ mũi”, dẫn tới những quyết định sai lầm không thể cứu vãn: một sư đoàn xe tăng được điều từ Pháp sang Hy Lạp, quân Đức dựng lên ở đó những bãi mìn mới, chúng rút một hạm đội tàu cao tốc khỏi Sicilia và tăng cường phòng thủ các đảo Korsika và Sardinien.

Rạng sáng 10/7/1943, quân đồng minh sử dụng lính dù, máy bay và tàu chiến tấn công Sicilia, gây bất ngờ cho các đơn vị quân đội Đức và Italy, khiến chúng chỉ kháng cự được một lúc. Việc đánh chiếm Sicilia trở thành chiến công vang dội của quân đồng minh, góp phần quan trọng thay đổi cục diện chiến tranh.

Một ông trùm phát xít Đức như Hitler cũng bị xác chết đánh lừa.

Theo BBC, “sai lầm chết người” của điệp viên Đức trong vụ gián điệp xác chết này là lời cảnh tỉnh đối với dư luận trong bối cảnh thế giới đang chao đảo với những “quả bom” thông tin mà trang mạng Wikileaks tung ra.

Trong chiến dịch “thịt băm”, tình báo Anh tạo ra một nguồn thông tin có vẻ như vô cùng đáng tin cậy, đó là bức thư do phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh tự tay viết. Nhờ đó, tình báo Đức dễ dàng bị đưa “vào tròng”. Họ tin chắc mình có một mạng lưới điệp viên hoàn hảo và với thông tin thu thập được, họ không chút nghi ngờ.

Tương tự trường hợp của Wikileaks, những thông tin mà Wikileaks có trong tay chỉ là ý kiến cá nhân và những lời lẽ qua lại về chính trị, cho thấy công việc thực hàng ngày của các nhà ngoại giao, những người vốn được biết đến trước công chúng qua những lời nói bóng bẩy.

Đúng như lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định: “Những thông tin của Wikileaks rất phiến diện và những chính sách của Mỹ không đơn giản chỉ thể hiện ở những bức điện tín đó”.

Vì vậy, nhiều nhà phân tích cảnh báo, dư luận có thể sẽ phải cảnh giác trước những thông tin từ Wikileaks.

Theo baodatviet

Trà My (tổng hợp)
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc