Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu Điểm » Các nhà khoa học khám phá ra bí ẩn ‘màu xanh’ của Ai Cập cổ đại
Trong khi hầu hết đồ gốm Ai Cập đều không được trang trí, trong thời Vương quốc mới (New Kingdom) – Thời kỳ vàng kim của Ai Cập – rất nhiều loại đồ gốm đã được trang trí tao nhã bằng một màu xanh nhạt đặc trưng.

Đồ gốm được trang trí với màu xanh nhạt đặc trưng là mốt thịnh hành ở Vương quốc Ai Cập mới, đặc biệt là trong thời trị vì của Vua Amenhotep III và Ramesses II. (Colin A. Hope/Đại học Monash)

Đồ gốm đã được tìm thấy tại nhiều địa điểm ở Ai Cập, Trung Đông và Sudan, và hầu hết là ở Ai Cập. Với sự hạn chế sử dụng màu xanh lam, có thể nó chỉ sẵn có cho những thợ thủ công liên quan đến các dinh thự hoàng gia lớn.

Để có được một mẫu sơn màu xanh lam không bị ô nhiễm cho phân tích hóa học, tiến sĩ Jennifer Smith, phó giáo sư thuộc trường Đại học Washington tại St. Louis (WUSTL), tiến sĩ Colin Hope, phó giáo sư và giám đốc Trung tâm Khảo cổ học và Lịch sử Cổ đại thuộc trường Đại học Monash ở Australia, và Paul Kucera, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Đại học Monash, đã bò qua một đường hầm dài, hẹp tại một ốc đảo trên sa mạc. Đường hầm này được đục vào trong đá bởi những người Ai Cập vào thời của các pharaohs.

Mặc dù một số tác phẩm điêu khắc của người Ai Cập được tô màu bằng cách trộn bột đồng vào bột thạch anh, đồ gốm có màu xanh nhạt được cho là được trang trí bằng cô-ban.

“Chất màu từ đồng phải được dùng cho các lớp dày và được thêm vào sau khi nung, do đó chúng có xu hướng tróc ra khi cầm nắm đồ vật đó. Thay vì dùng đồng, chất màu được sử dụng ở hầu hết đồ gốm sơn màu xanh lam là cô-ban, được nung trên bếp lò”, ông Hope nói trong một thông cáo báo chí.

Phân tích thứ sơn lấy được từ địa điểm [khảo cổ] này đã cho thấy rằng cô-ban được dùng kèm với một chút kẽm, nickel, măng-gan, một hỗn hợp các nguyên tố đủ đặc biệt để đóng vai trò là một dấu vân tay hóa học.

Được biết rằng vào thời thịnh trị, chính quyền Ai Cập của Thung lũng sông Nile đã tài trợ cho việc khai thác khoáng chất ở thung lũng và các vùng sa mạc xung quanh. Ốc đảo này, nơi nước sâu có thể lên tới bề mặt dọc theo những vết nứt gẫy dưới áp lực của chính nó, đã liên tục có người ở trong có thể là 400.000 năm.

Khi tìm kiếm mẫu sơn, các nhà khoa học đã xem xét vùng hoang mạc đông Sahara tựa vào vách núi đá vôi chia cắt sa mạc này với Thung lũng sông Nile tại ốc đảo Dakhleh, nơi có đường hầm này.

Dưới chân vách đá ở đầu phía tây của Dakhleh, bốn hầm mỏ đã được đục vào trong đá bằng tay một cách tỉ mỉ. Những bậc thang được đục dọc theo các hầm cho phép đi xuống an toàn. Các hầm có đường vào một hành lang nằm ngang, một số dài tới 15 mét, dọc theo những mạch ngang của mỏ phèn.

Các mạch phèn dày vài xen-ti mét có thớ, từ màu xám nhạt cho tới màu hồng, và hơi se lại.

Băn khoăn liệu phèn [ở đây] có phải là thành phần bí mật được sử dụng để tạo ra thứ sơn màu xanh lam hay không, TS Smith đã lấy một mẫu để phân tích.

“Khi chúng ta đặc tả một khoáng chất tự nhiên, chúng ta muốn biết hai điều: thành phần hóa học của nó và sau đó là các nguyên tố cấu thành nên nó được sắp xếp như thế nào, hay cấu trúc tinh thể của nó”, bà Smith nói.

Trong trường hợp phèn ở Dakhleh, cấu trúc tinh thể ít có tác dụng bởi vì nó có thể đã bị phá hủy trong quá trình pha chế sơn. Chỉ có thành phần cấu tạo mới có thể cho thấy mối liên hệ giữa phèn và gốm này.

Các kết quả của TS Smith đã cho thấy rằng phèn ở đây có chứa cô-ban, mặc dù nó không đặc biệt giàu nguyên tố này. Tuy nhiên, cô-ban kèm với một chút măng-gan, nickel và kẽm – giống y như hỗn hợp các nguyên tố được tìm thấy trong sơn xanh.

Ngạc nhiên bởi độ tập trung thấp của cô-ban, TS Smith băn khoăn liệu những người thợ thủ công cổ đại có tìm được cách để tập trung nó tại địa điểm này hay không. Từ một mẫu mà bà thu thập được, bà phát hiện ra rằng lớp vỏ ở ngoài rìa của một hầm mỏ bị ngập nước một phần có một hàm lượng cô-ban cao hơn những chỗ khác. Bà Smith nói rằng có thể đó là do sun-phát trong phèn bị tan ra dễ dàng, và hàm lượng cô-ban còn lại vì vậy mà sẽ trở nên cao hơn.

“Tôi xem xét tất cả những mạch sun-phát khác nhau này, và tôi không biết mạch nào dùng được cho mục đích nào nếu như không làm các phân tích, nhưng họ hẳn là đã có các cách phân biệt dựa trên các đặc tính có thể quan sát được là nên khai thác mỏ nào. Điều đó thật ấn tượng”, bà nói.

Helena Zhu

(Theo The Epoch Times)

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc