Home » Khám Phá, Khoa học » Chuyện hy hữu về người đàn ông bị cắt trí nhớ

Hầu như tất cả chuyên gia tâm lý, các nhà thần kinh học và bác sĩ phẫu thuật thần kinh trên thế giới đều biết hai chữ viết tắt H.M. Đứng sau đó là bệnh nhân đã được nghiên cứu chi tiết và đầy đủ nhất lịch sử y học. Tuy nhiên từ những bài viết khoa học về nhân vật này rất khó khai thác thông tin gì ngoài sự mô tả máy móc sự kiện. Cũng may cuộc sống vẫn có những người đeo đuổi nỗ lực trả lại tầm vóc nhân văn của câu chuyện. Nhờ nó giới quan tâm có thể tái hiện số phận phi thường của một con người đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho tiến bộ khoa học, song cũng là lý do cắn dứt lương tâm không ít bác sĩ.

Mãi sau khi qua đời cuối năm 2008, danh tính con người phi thường đó mới được tiết lộ. Ông là người Henry Gustav Molaison (H.M) sinh năm 1926 và cả cuộc đời đã sống ở Hartford, thành phố nhỏ gần Boston, bang Connecticut (Mỹ). Bố H.M là một thợ điện, dòng dõi gia đình địa chủ Pháp. Henry, ngươi con trai duy nhất lớn lên trở thành chàng trai lực lưỡng, dễ thương và hài hước. Như ghi chép trong hồ sơ lưu trữ thời học đường, H.M đạt điểm trên trung bình qua các trắc nghiệm chỉ số thông minh.

Bắt đầu từ một tai nạn nhỏ

Sau thế chiến II công việc làm ăn của gia đình H.M diễn ra tốt đẹp. Sau tốt nghiệp trung học, Henry tự kiếm sống bằng chân nhân viên bán vé cho rạp chiếu bóng, song khát vọng nối nghiệp cha đã đưa cậu trở thành thợ điện. Cả tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của Henry tưởng chừng diễn ra êm đềm. Trừ sự cố duy nhất – năm lên bảy tuổi cậu bị một người phóng xe đạp bất ngờ tông vào. Henry bất tỉnh giây lát vì một vài vết thương trên đầu và vết rách trên mặt phải khâu 17 mũi.

s

Ảnh Henry Gustav Molaison chụp trước ca phẫu thuật không lâu

Có thể chính tai nạn đó đã trở thành nguyên nhân của những bất hạnh sau này. Lần đầu tiên Henry lên cơn động kinh năm 16 tuổi. Đúng lúc cậu đang lái xe hơi chở gia đình. Thoạt đầu ông bố cứ tưởng con trai nghịch dại, nhưng sau vài ba phút ông biết rằng, thực sự đã xảy ra chuyện bất ổn với con trai. Ông đưa con trai đến bệnh viện. Và từ thời điểm đó Henry không còn cơ hội nào ngồi bên tay lái.

Các cơn động kinh xuất hiện ngày càng dầy. Ở trường học, từ cậu bé được mọi người yêu thích, Henry đã trở nên bị bạn bè xa lánh. Vì sợ bất ngờ lên con động kinh, người ta đã không cho phép Henry lên bục danh dự nhận bằng tú tài trong ngày bế giảng. Henry đau khổ vì thời điểm đó đang thịnh hành thuyết ưu sinh – hệ tư tưởng chỉ cho phép những cá thể hoàn toàn khỏe mạnh sinh con đẻ cái. Vị bác sĩ địa phương nói thẳng với Henry: Anh phải tránh quan hệ tình dục và hãy quên đi chuyện hôn nhân, bởi anh có thể góp phần sinh ra nhiều đứa con bệnh hoạn như mình!

Henry chỉ có thể làm những việc đơn giản, trong đó có thời gian làm nhân viên một cửa hàng bán thảm chùi chân. 26 tuổi, Henry đã là con người bị tước bỏ mọi triển vọng. Không hiếm thời gian anh bị vài ba cơn động kinh mỗi ngày với vài chục giây bất tỉnh. Thời ấy không có loại thuốc nào khả dĩ cải thiện tình hình. Phẫu thuật não được coi là hy vọng cuối cùng.

Một bộ phận não bộ bị cắt bỏ

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh William Scoville (Bệnh viện Hartford, khi ấy là một trong những cơ sở y tế lớn nhất tại Mỹ) đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật mạo hiểm này. Bác sĩ Scoville cũng là dân thành phố Hartfod. Ông nổi tiếng ngang tàng, điển trai và đam mê xe thể thao tốc độ cao. Trong gara nhà ông lúc nào cũng có vài chiếc xe Jaguar sang trọng và đắt tiền. Thiên hướng ưa mạo hiểm bẩm sinh cũng thể hiện rõ nét trong thực tế hành nghề bác sĩ của ông. Trong sự nghiệp của mình ông đã thực hiện vài trăm ca khoan hộp sọ và trở thành nhân vật nổi tiếng thuộc lĩnh vực phẫu thuật não bộ – thời ấy được coi là phương pháp hiệu quả điều trị bệnh tâm thần phân liệt, bệnh trầm cảm và một số rối loạn tâm lý khác. Công việc phẫu thuật của bác sĩ Scotville cũng gắn liền với xác suất rủi ro cao. Riêng với trường hợp Henry, bản thân ông cũng thừa nhận là một thí nghiệm mạo hiểm, bởi ông sẽ phải cắt bỏ bộ phận não bộ khá lớn của bệnh nhân.

Bà mẹ Henry đã ký giấy đồng ý phẫu thuật. Bà đã do dự, nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận. Không ai có đủ can đảm giúp bà trong quyết định đó. Ông chồng bà đã sụp đổ hoàn toàn.

Ngày 25/8/1953, bác sĩ Scotville đã dùng khoan mở hai lỗ trên hộp sọ đã được tiêm thuốc tê cục bộ, nhưng bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Tiếp theo, Scotville luồn dụng cụ vào sâu để cắt và lôi ra những mô não bộ. Trong những chi tiết bị cắt bỏ có hai vùng hải mã – những cấu trúc nhỏ có hình dáng giống con cá ngựa. Khi ấy người ta vẫn chưa biết vai trò của chúng.

Cuối ca phẫu thuật Scotville đã đặt vào não bộ Henry những mảnh kim loại nhỏ. Chỉ nhằm mục đích để đánh dấu những bộ phận nào đã bị cắt bỏ. Và cũng nhằm mục đích tạo điều kiện mô tả chính xác để áp dụng với những bệnh nhân khác khi ca phẫu thuật này thành công mỹ mãn.

Tiếc rằng ngay sau khi rời bỏ dụng cụ phẫu thuật, bác sĩ Scotville đã nhanh chóng nhận ra là có chuyện gì đó bất ổn. Bệnh nhân mất hẳn trí nhớ, Henry không thể nhớ, thí dụ, đi lối nào trở về phòng mình đang điều trị.

s

Vùng hải mã trong não bộ

Trở về nhà Scotville đã kể chuyện với vợ: “Em có biết, hôm nay đã xảy ra chuyện gì? Anh đã chữa bệnh động kinh cho một người bằng cách cắt bỏ trí nhớ của anh ta. Một sự đánh đổi không tồi!” Dường như khi ấy ông ta không hề cảm thấy lương tâm bị cắn dứt. Trong hồ sơ bệnh án của Henry, Scotville ghi rõ: “Nhờ phẫu thuật tình trạng sức khỏe đã được cải thiện – số cơn động kinh giảm hẳn”. Sau này, vài ba tháng Henry mới bị một trận, song trí nhớ đã mất hẳn.

Chỉ nhớ những gì trước thời điểm phẫu thuật

Sau giai đoạn thăng hoa ban đầu, cùng với thời gian Scotville bắt đầu lo lắng về sức khỏe của Henry. Một ngày nọ ông đã gọi điện tham khảo ý kiến của bác sĩ Wilderr Penfield ở Montreal(Canada), người thời ấy được coi là một trong những chuyên gia phẫu thuật thần kinh và điều trị bệnh động kinh xuất sắc nhất thế giới. Nhà khoa học nổi tiếng Canada thực sự bàng hoàng khi biết chuyện đồng nghiệp Mỹ cắt bỏ nhiều não bộ của bệnh nhân như vậy. Đồng thời ông rất quan tâm đến những triệu chứng của Henry nên lập tức giao nhiệm vụ cho cộng sự của mình – nữ chuyên gia tâm lý học thần kinh Brenda Milner – trực tiếp tiếp cận bệnh nhân.

Ngay cuộc gặp mặt đầu tiên với Henry, bà Milner đã hết sức ngỡ ngàng. Bà đối diện với con người nhiệt tình, nghe, nhìn, cảm giác bình thường, có năng khiếu khôi hài và phản ứng nhanh nhạy bằng nụ cười hoặc thái độ bực tức. Chỉ số IQ của Henry vẫn không hề thay đổi.
Điều bất thường là năng lực nghi nhớ của Henry đã hoàn toàn biết mất. Anh chỉ nhớ được duy nhất những sự kiện xảy ra cho đến ngày 25/8/1953. Giống như dòng chảy thông tin vĩnh viễn dừng lại vào thời điểm đó.

Mọi thông tin mới đều bay khỏi đầu Henry sau vài chục giây. Henry không nhận ra những người anh mới trò chuyện cách đó vài ba phút, quên tất cả những gì mới làm và mới nói. Có thể đọc báo, tự gập lại, và sau đó vài phút lại có thể bắt đầu đọc lại như… chưa từng đọc. Việc nhìn ngày báo phát hành không giúp ích gì, bởi Henry không có khái niệm về giờ giấc, ngày tháng. Mỗi buổi sáng thức dậy anh đều không biết bản thân đang ở đâu, không thể tự mình tìm đường đến toa lét và trở về phòng ngay trong nhà mình. Anh có thể duy trì thông tin trong trí nhớ cho đến khi tự mình nhắc lại điều đó nhiều lần, song tất cả lập tức trôi tuột khỏi đầu ngay khi xuất hiện cái gì đó thu hút chú ý.

Bác sĩ Brenda Milner đã đọc kỹ mọi ghi chép về ca phẫu thuật. Không có gì nghi ngờ nữa, nhờ sự cố bất hạnh này mà Scotville đã có một khám phá phi thường: té ra vùng hải mã – địa bàn trước đó chưa ai biết chức năng của nó – đã đóng vai trò quyết định duy trì trí nhớ. Rõ ràng nhờ vùng hải mã, mọi dấu vết thông tin đã được ghi lại. Tại họa mà Henry vô tình gánh chịu đã trở thành bước ngoặt cho những nghiên cứu về cấu trúc phức tạp của trí nhớ con người.

Từ thời điểm cuộc viếng thăm đầu tiên của Brenda Milner, “sự nghiệp khoa học” kéo dài trên nửa thế kỷ của bệnh nhân nổi tiếng H.M. được bắt đầu. Bởi nhà khoa học Canada không thể thường xuyên đi lại giữa Montreal và Hartford, nên bà đã giao nhiệm vụ chăm sóc Henry cho nữ sinh viên của mình – bác sĩ Suzanne Corkin, khi ấy đang làm việc tại Massachusetts Institute of Techonology ở Boston. Vâng lời thầy, Corkin đã ở bên Henry và thực hiện đủ dạng trắc nghiệm cho đến ngày Henry trút hơi thở cuối cùng, năm 2008. Trong một bài giảng dành cho sinh viên, bác sĩ Corkin đã khẳng định, bệnh nhân H.M là “mỏ vàng khoa học”.

(Theo Ngọc Báu– Tri Thức Trẻ/Medic)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc