Các lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, trong đó bao gồm việc hạn chế giao thương về dầu khí và quốc phòng, chặn vốn vay đối với 5 ngân hàng nhà nước,sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9.
Các biện pháp mới, với mục đích gia tăng áp lực lên Nga do vai trò của nước này đối với khủng hoảng tại Ukraine, có thể được nới lỏng hoặc hủy bỏ nếu lệnh ngừng bắn tại Ukraine được duy trì.
Nga nói nước này đang sẵn sàng để đáp trả. Một quan chức cao cấp của Nga nói Moscow có thể hạn chế xe nhập khẩu từ EU.
Nato nói Nga vẫn còn khoảng 1.000 quân đang hoạt động ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào Nga, với các mục tiêu bao gồm ngành quốc phòng, tài chính và năng lượng. Ông nói sẽ công bố thêm chi tiết vào ngày 12/9.
EU và Hoa Kỳ cáo buộc Điện Kremlin đang trực tiếp hậu thuẫn phe ly khai thân Nga ở vùng Donetsk và Luhansk bằng cách chi viện quân chính quy và nhiều khí tài hiện đại, trong đó bao gồm cả xe tăng. Moscow đã phủ nhận các cáo buộc này.
Nato nói bên cạnh số quân Nga ở bên trong lãnh thổ Ukraine, Moscow còn đang đóng khoảng 20.000 gần biên giới.
Phe ly khai đã giành được nhiều thắng lợi lớn ở miền Đông Ukraine thời gian gần đây.
Giao tranh kể từ tháng Tư đã khiến ít nhất 3.000 thiệt mạng.
Nga đã cảnh báo có thể đóng không phận đối với các hãng hàng không của châu Âu
Trừng phạt quan chức
Các lệnh trừng phạt mới nhất của EU cũng sẽ bổ sung 24 quan chức Nga và thủ lĩnh ly khai vào danh sách cấm thị thực và đóng băng tài sản.
“Danh sách này bao gồm các cá nhân có dính líu đến hành động xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm các lãnh đạo ở Donbass, chính quyền tại Crimea cũng như nhà cầm quyền và giới đầu sỏ chính trị tại Nga,” thông cáo của Hội đồng châu Âu cho biết.
“Số cá nhân bị liệt vào danh sách trừng phạt đã được nâng lên 119 người, trong đó có 23 cá nhân bị đóng băng tài sản tại EU,” thông cáo nói thêm.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich gọi các lệnh trừng phạt mới là “bước đi hết sức không thân thiện”.
Ông Andrei Belousov, một cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói với hãng thông tấn Ria Novosti của Nga rằng Nga có thể hạn chế xe và các mặt hàng công nghiệp nhập khẩu từ EU.
Nga đã áp đặt cấm vận đối với nhiều mặt hàng thực phẩm từ EU, trong đó bao gồm trái cây, rau, thịt, các sản phẩm từ sữa cũng như một số thực phẩm quan trọng khác.
Lệnh cấm vận này cũng được áp đặt đối với thực phẩm từ Hoa Kỳ, Canada, Úc và Na Uy, những nước đã tuyên bố các lệnh trừng phạt giống như của EU.
Đồng rouble của Nga đã tạo đáy mới hôm 11/9, trượt giá xuống còn 37.57/ đôla, sau khi tin về các lệnh trừng phạt mới của EU được loan đi.
Tỷ giá rouble/euro cũng giảm mạnh
Tổng thống Ukraine Poroshenko trước đó đã tuyên bố sẽ cho miền Đông thêm quyền tự trị
Nhắm vào hàng hóa đa năng
Quyết định mới nhất của EU được đưa ra sau cuộc điện đàm với sự tham gia của nhiều lãnh đạo châu Âu, trong đó bao gồm Thủ tướng Anh David Cameron.
Các nước EU trước đó đã không thể nhất trí về cách ghi nhận lệnh ngừng bắn mong manh giữa quân đội Ukraine và phe ly khai thân Nga.
Trong cuộc họp khẩn của 28 nước thành viên tại Brussels hôm 10/9, Đức đã thúc giục việc áp đặt các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên một số nước khác nói họ muốn đợi xem lệnh ngừng bắn có được duy trì hay không.
Các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào các công ty dầu khí của Nga như Rosneft và Transneft cũng như đơn vị xăng dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom.
Khả năng tiếp cận vốn vay của các tập đoàn này cũng sẽ bị hạn chế – một trở ngại lớn cho Rosneft, công ty mà mới tháng trước đã đề nghị một khoản vay 42 tỷ đôla từ chính phủ Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ nhắm vào các mặt hàng dân dụng nhưng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, các mặt hàng quốc phòng cũng như những công nghệ nhạy cảm khác.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo Nga có thể sẽ đóng không phận đối với các hãng hàng không châu Âu, động thái có thể đẩy “nhiều hãng hàng không đang gặp khó khăn vào con đường phá sản”.
Theo BBC
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!