Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Thảm họa của ngành giáo dục Trung Quốc
Trong thời gian tổ chức “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có vị Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị cho biết, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy hiện nay không biết cách làm việc, vì thế ông đề nghị cần đẩy mạnh công tác dạy kỹ năng cho sinh viên.
Giáo dục Trung Quốc

Giáo dục Trung Quốc. Ảnh tourdulichtrungquoc

Nhận định của ông Ủy viên này gây nhiều tranh luận trên hệ thống mạng cộng đồng ở Trung Quốc Đại Lục. Thế rồi vấn đề lại lan sang câu chuyện người tình của ông Giang Trạch Dân, cựu Bộ trưởng Giáo dục Trần Chí Lập, vì bà này là người khởi xướng đẩy mạnh mở rộng giáo dục Đại học, tạo môi trường thuận lợi cho tham quan hủ bại phá hoại ngành giáo dục ở Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, giáo dục Trung Quốc Đại Lục rơi vào tình cảnh loạn lạc, hiện đang cần có công cuộc cải tổ mạnh mẽ.

tran-chi-lap

Đạo lý truyền thống bị phá hủy

Sau khi ĐCSTQ lên nắm chính quyền đã truyền bá thuyết vô thần luận cùng những triết lý tư tưởng, áp đặt chúng lên người dân. Trong giáo dục, học sinh sinh viên bị tẩy não bằng những khóa học chính trị, biến khái niệm yêu Đảng tức là yêu nước, lịch sử và sự thật bị bẻ cong, nhiều giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa bị xóa sạch…

Nhà văn Phùng Ký Tài thẳng thắn: “Thất bại của giáo dục là do lừa dối! Với các nước văn minh thì giáo dục phải độc lập, không phụ thuộc vào các đảng phái, không biến thành biển hiệu quảng cáo cho đảng phái, vì thế không có chuyện lừa dối tẩy não. Thời tôi đi học đã bị lừa, đến bây giờ cũng không có gì thay đổi!”

Tháng 7/1999, tập đoàn ông Giang Trạch Dân phát động bức hại Pháp Luân Công, bức hại những người lương thiện tu luyện theo “Chân – Thiện – Nhẫn”. Bà Trần Chí Lập làm Bộ trưởng Giáo dục từ 1998 – 2003 đã tích cực hùa theo ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, bắt các thầy cô và học sinh xem những phim tài liệu bôi nhọ Pháp Luân Công để gây thù hận với Pháp Luân Công, đưa nội dung bôi nhọ Pháp Luân Công vào tài liệu giảng dạy trung và tiểu học…

Vừa qua, trang mạng Minh Huệ đưa tin về con của một học viên tu luyện Pháp Luân Công là chị Khang Chí Mỹ ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ tỉnh Hắc Long Giang thi đậu đại học với điểm cao nhưng không được nhập học. Năm 2007, con của chị Khang thi đậu vào Đai học Quốc phòng Thẩm Dương với 597 điểm nhưng bị từ chối nhập học vì có mẹ tu luyện Pháp Luân Công. Hành vi thô bạo này chắc chắn đã gây tổn thương nặng nề cho một đứa trẻ mới bước vào đời.

Năm 2004, có tin chấn động ở Đại học Sư phạm Nam Kinh: Quan to của Bộ Giáo dục khi đến trường kiểm tra đã bắt 10 nữ sinh viên của lớp biên đạo múa phải nghỉ học để cùng đi khiêu vũ. Để lấy lòng quan chức, lãnh đạo nhà trường đã không từ thủ đoạn nào. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tin việc giáo viên cưỡng dâm nữ sinh, trong đó có nhiều em chưa đến tuổi thành niên.

Giáo viên không còn giữ được chuẩn mực nghề nghiệp, đạo đức xã hội suy thoái, kim tiền chiếm thế thượng phong. Trong hoàn cảnh như thế, nhiều em không chịu nổi áp lực tâm lý đã bị suy sụp tinh thần. Vào tháng 2/2004, vụ án giết người của sinh viên Mã Gia Tước thuộc Đại học Vân Nam đã gây chấn động toàn quốc. Có bình luận cho rằng, phía sau tội ác của Mã Gia Tước là tình trạng tâm lý mất phương hướng, phản ánh sự thất bại của giáo dục đạo đức Trung Quốc. Học trò không còn nhìn thấy được ý nghĩa của kiếp người. Khi gặp những mâu thuẫn hoặc chuyện không như ý thì lập tức thù hận và có hành động cực đoan, cuối cùng vì nóng nảy nhất thời mà ân hận một đời.

Nhà trường vốn là rường cột đạo đức của một đất nước thế mà hiện nay lại biến thành nơi hủ bại như thế.

Phát triển bừa bãi giáo dục đại học gây ra thảm họa

Chương trình mở rộng giáo dục Đại học ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1999. Trước năm 1999, tăng trưởng Trường Đại học ở Trung Quốc Đại Lục trung bình hàng năm chỉ khoảng 8,5%, nhưng sau năm 1999 số lượng chiêu sinh tăng lên 51,32 triệu người, tốc độ tăng lên đến 47,4%. Cùng đó, nhiều Học viện các loại được nâng lên thành Trường Đại học. Ngoài ra còn xây dựng mới hàng loạt trường và đào tạo nhiều ngành học thiếu tính ứng dụng thực tế, trong hoàn cảnh đất nước thiếu trầm trọng nhân tài lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Việc mở tràn lan Trường Đại học nhưng yếu kém chất lượng, cơ sở trang thiết bị thiếu thốn, cho dù khiến việc trở thành sinh viên trở nên dễ dàng hơn, nhưng vì số sinh viên ra trường hàng năm tăng mạnh, vượt xa so với nhu cầu xã hội, vì vậy mà đa số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Nhiều chuyên gia đã bình luận, chính sách của bà Trần Chí Lập là thảm họa quốc gia.

Trong tình trạng đó, giới giáo dục biến sân chơi của họ thành ngành kinh tế vì mục tiêu lợi nhuận, tình trạng thu học phí ngày càng tăng vọt, kéo theo là tình trạng hủ bại của giới giáo dục tăng vọt theo.

Ngày 16/12/2003, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố Điều tra vấn đề thu học phí trong ngành giáo dục Trung Quốc cho thấy, trong năm 2003 có 12.600 trường hợp vi phạm quy định thu học phí với số tiền vi phạm lên đến 2,14 tỷ Nhân dân tệ. Ví dụ từ tháng 1/2002 – 9/2003, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam đã lạm thu lệ phí thi không đúng quy định lên đến hơn 3,1 triệu Nhân dân tệ. Nhiều trường trung và tiểu học thường xuyên nghĩ ra những khoản thu ngoài quy định, kiếm lợi bất chính.

Năm 2012, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã công bố Báo cáo Phát triển xã hội Trung Quốc, theo đó chỉ ra, đầu tư cho giáo dục công ở Trung Quốc Đại Lục quá thấp, các gia đình phải gánh chịu chi phí giáo dục quá cao. Hiện nay, để nuôi một sinh viên đi học, tính trung bình người dân ở đô thị phải bỏ ra số tiền tương ứng 4,2 năm thu nhập ròng; còn nếu là gia đình nông dân thì phải mất 13,6 năm thu nhập ròng.

Hiện tượng học phí cao ngất ngưởng đã chặn đứng con đường học hành của vô số trẻ em ở những vùng khó khăn. Nhiều học sinh tay cầm giấy báo nhập học nhưng vì không có tiền đóng học phí mà phải từ bỏ con đường vào đại học, có những phụ huynh đau đớn vì cảm thấy bất lực lo chuyện học hành cho con mà tự sát.

Năm 2002, ông Đinh ở thành phố Bảo Kê tỉnh Thiểm Tây đã nhảy từ lầu 7 tòa nhà xuống vì cái hóa đơn đóng tiền học hơn 7000 Nhân dân tệ.

Mùa hè năm 2003, con gái nông dân Cảnh Thống Sĩ ở huyện Du Lâm tỉnh Thiểm Tây thi đậu điểm cao vào Đại học Sư phạm Đông Bắc. Học phí năm học đầu tiên đã là 10 ngàn Nhân dân tệ. Người cha 53 tuổi Cảnh Thống Sĩ đang bị nợ nần chồng chất, lại không có tiền đóng học cho con nên đã uống thuốc độc tự tử. Trước khi chết ông nói với người thân: “Tôi già rồi, không còn sức làm bất cứ việc gì nữa.”

Ngày 26/7/2004, nông dân Lâm Băng Tâm ở Phúc Kiến đã uống nông dược tự tử vì bất lực trong việc đóng học phí cho con.

Ngày 2/8/2004, nông dân Tôn Thủ Quân ở tỉnh Liêu Ninh vì không có khả năng đóng số tiền học phí 5.308 Nhân dân tệ hàng năm cho con đã uống thuốc trừ sâu tự tử và để lại di thư: “Tôi… chỉ vì không thể có khả năng nuôi con đi học, không còn mặt mũi nào nhìn nó, tôi chỉ còn cách lấy cái chết để tạ tội với con.”

Những bi kịch nghe thấy mà không khỏi não lòng. Nhưng, sau khi bà Trần Chí Lập thôi chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại được ông Giang Trạch Dân đề bạt làm Ủy viên Chính phủ, phụ trách quản lý giáo dục toàn quốc và toàn quân, khiến sự nghiệp giáo dục của Trung Quốc ngày càng sa sút. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội đã cho rằng, bà Trần Chí Lập phải chịu trách nhiệm chính về thực trạng mục nát của hệ thống giáo dục Trung Quốc Đại Lục.

Thảm trạng của hệ thống giáo dục bậc cao

Hệ thống giáo dục bậc cao ở Trung Quốc Đại Lục mục nát trên nhiều phương diện: cơ sở hạ tầng, chiêu sinh, học thuật, phí nghiên cứu khoa học…

Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, trong khoảng 3 năm gần đây, bình quân mỗi tháng có 3 quan chức trong ngành giáo dục bị xử lý. Chỉ trong năm 2015, có 53 quan to thuộc 34 trường Cao đẳng và Đại học bị thông báo điều tra vì vi phạm kỷ luật, bình quân mỗi tuần có một trường hợp. Cũng trong năm 2015, toàn Trung Quốc Đại Lục có hơn 100 bài báo khoa học bị tạp chí học thuật quốc tế hủy bỏ vì đạo văn.
Theo Viện Kiểm sát quận Hải Điện – Bắc Kinh thống kê từ năm 2005 – 2012 về nạn tội phạm quyền lực thuộc hệ thống Viện Nghiên cứu Khoa học và Trường Cao đẳng và Đại học cho thấy, phạm vi phạm pháp xảy ra ở hơn 40 bộ môn giáo dục trong hệ thống.

Nhà văn Lý Hồng Vũ nhận xét: “Tình trạng này là do xuất phát từ vấn đề thể chế, nếu không cải cách thể chế thì không thể chấm dứt được thực trạng…”

Một cư dân mạng chia sẻ ý kiến: “Khi hệ thống giáo dục của một quốc gia rơi vào tình trạng này thì có thể khẳng định quốc gia này không còn hy vọng gì ở tương lai. Đây là hệ quả do tập đoàn ông Giang Trạch Dân gây ra.”

Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Dân tộc Trung Hoa có truyền thống tôn sư trọng đạo, trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm đã hình thành nhiều triết lý giáo dục ưu việt, đã xuất hiện nhiều nhà giáo dục có ảnh hưởng to lớn đối với toàn châu Á và trên thế giới. Người xưa từng dạy, tài và đức đều cần thiết như nhau. “Đức Khổng dạy bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, niềm tin” (Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín). Chu Hy nhấn mạnh tác dụng của giáo dục nằm ở “thay đổi khí chất.” Nhưng dưới triều đại ĐCSTQ, nền giáo dục quốc gia vừa loạn lạc vừa bại hoại, khiến bất cứ ai có trách nhiệm với con người đều không khỏi phải đau lòng. Một nền “giáo dục” như thế thì liệu tạo ra “nhân tài” như thế nào? Tương lai của dân tộc đi về đâu? Thuốc duy nhất có thể chữa được tình trạng nguy hại này là hãy quay về với văn hóa và đạo đức truyền thống.

Cao Thiên Vận, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Tinh Vệ biên dịch

Theo daikynguyenvn.com

Bài liên quan:

>> Mục đích giáo dục của nước ta đi sai hướng

>> Nguyên nhân và lý do dẫn đến đàn áp Pháp Luân Công

>> Từ bạo lực học đường mới thấy “học thuyết đấu tranh” đã phá hủy nhân cách người Việt thế nào


01 ý kiến dành cho “Thảm họa của ngành giáo dục Trung Quốc”

  1. Người thích đọc 16/04/2016

    Giáo dục Việt Nam cũng tựa như TQ, cũng đầy thảm họa

    Reply

Ý kiến bạn đọc