Home » Khám Phá, Khoa học » Điều kỳ diệu của bộ não con ong
Cho dù có bộ não rất nhỏ, nhưng hàng ngày, những con ong chăm chỉ lại nhanh chóng giải quyết được những vấn đề tính toán phức tạp mà một máy tính điện tử phải cần đến nhiều ngày mới làm nổi.

Theo nhật báo Anh Quốc, The Guardian, các nhà khoa học thuộc trường đại học Royal Holloway ở Luân Đôn đã phát hiện ra rằng trong khi đi tìm nhụy hoa, ong đã biết tính toán đoạn đường bay gần nhất giữa các bông hoa mà chúng tình cờ tìm thấy trên đường bay, qua đó, loài ong đã giải quyết được bài toán hóc búa mang tên « người đi chào hàng ».

Đây là một trong những bài toán được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực tối ưu hóa tổ hợp và được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1859.

Đầu đề bài toán như sau : Một người phải đi đến các thành phố để chào hàng và mỗi thành phố, anh ta chỉ được đến có một lần, rồi sau đó, quay trở về nơi xuất phát. Hãy lập lộ trình các thành phố mà người chào hàng đi qua sao cho tổng quãng đường đi là ngắn nhất.

Thoạt nhìn qua, bài toán này khá dễ. Thế nhưng vấn đề trở nên cực kỳ phức tạp khi số thành phố tăng lên. Ví dụ, tổng số con đường mà người chào hàng có thể đến 69 thành phố, sẽ rất lớn. Giới chuyên gia cho biết con số này dài tới 100 số.

Đương nhiên, máy tính hoàn toàn có thể giải đáp được bài toán này, bằng cách so sánh chiều dài của tất cả các đoạn đường và qua đó, xác định được con đường ngắn nhất. Nhưng nếu số địa điểm rất lớn thì máy tính cũng chỉ có thể đưa ra những đáp số gần đúng sau nhiều ngày tính toán.

Ấy vậy mà con ong, với bộ não chỉ bằng hạt cỏ, lại giải được bài toán hóc búa này rất nhanh.

Tiến sĩ Nigel Raine, khoa sinh học trường đại học Royal Holloway giải thích : Hàng ngày, những con ong đi hút nhụy phải giải quyết bài toán « người đi chào hàng ». Ong tìm thấy hoa để hút nhụy ở nhiều địa điểm khác nhau. Do phải tốn rất nhiều năng lượng công sức để bay, loài ong phải tính toán và tìm ra con đường ngắn nhất.

Cũng xin nói thêm, theo một số chuyên gia, tốc độ xử lý của bộ não con ong nhanh hơn máy tính điện tử hàng trăm lần. Cho đến nay, máy tính thuộc thế hệ hiện đại nhất có thể thực hiện được 16 tỷ phép tính trong một giây, trong khi đó, bộ não con ong có thể tính được 10 ngàn tỷ phép tính/ giây Hơn nữa, não của ong cần ít năng lượng hơn máy tính. 10 triệu con ong tiêu thụ năng lượng bằng một bóng đèn 100 wattt.

Báo The Guardian nhận định, công trình nghiên cứu này có nhiều tác động đến đời sống hàng ngày của chúng ta bởi vì cuộc sống hiện đại phụ thuộc vào các mạng lưới như mạng lưới giao thông, thông tin trên internet hay mạng lưới dây chuyền cung ứng hậu cần.

Còn báo The Age của Úc thì viết, hiểu được bằng cách nào mà loài ong, với một bộ não nhỏ xíu, mà lại giải quyết được bài toán « người đi chào hàng », thì điều này có thể giúp chúng ta tìm được những cách thức đơn giản nhất để quản lý tốt nhất các liên kết mạng.

Cuoc song muon mau

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc